Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân”: Sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới

Biên phòng - Tối 19-12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân”.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Phạm Hưng

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Toàn quốc kháng chiến, 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; tôn vinh, trao thưởng các điển hình tiên tiến Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1/Đài Truyền hình Việt Nam tại hai điểm cầu Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu tại chương trình.

Cùng dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh (dự ở điểm cầu phía Nam); Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thượng tướng Phạm Hoài Nam.

Thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã luôn nêu cao ý chí quyết tâm, chủ động đến với dân ở những nơi khó khăn, trong những thời điểm cam go nhất, với tinh thần quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Trong đợt dịch thứ tư, hơn 140.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ đã được huy động tham gia phòng, chống dịch; triển khai, duy trì hoạt động của 190 khu cách ly tập trung; tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, đi chợ giúp dân, lo hậu sự và vận chuyển tro cốt đồng bào tử vong vì Covid-19....

Trong suốt chiều dài 77 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, quan tâm, giúp đỡ nhân dân và được nhân dân chở che, đùm bọc. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, tình nghĩa quân dân lại càng keo sơn, gắn bó và được thể hiện sinh động trong Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Nghĩa tình quân dân”.

Cuộc chiến với Covid-19 ngăn chặn không chỉ bằng “vũ khí” hiện đại mà bằng cả trái tim. Trái tim “Bộ đội Cụ Hồ” mách bảo các anh làm những gì hơn cả cách thông thường, mách bảo ở đâu nhân dân đang cần cứu. Trái tim dẫn đường cho những quyết định chủ động, sáng suốt, đầy ý thức trách nhiệm và tận tụy.

Hơn 600 tổ quân y lưu động từ miền Bắc vào chi viện đã ngày ngày với bình oxy, túi thuốc đến từng gia đình trực tiếp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19, trong đó có rất nhiều bệnh nhân F0 trở nặng. Sáng kiến góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Qua báo chí, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Trung úy, bác sĩ Phạm Khánh Linh (Học viện Quân y), Tổ trưởng Tổ Quân y số 10, TP Thuận An, Bình Dương ôm cháu bé 4 tháng tuổi chạy bộ hơn 300m để đưa cháu đến khu cấp cứu của bệnh viện. Nhưng ít ai biết tổ cô đứng chân ở vùng đỏ, sau 1 tháng linh hoạt xung kích, đã biến vùng đỏ thành vùng xanh. Cô cũng đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ là công nhân nghèo tại phòng trọ và có gia đình đã lấy tên Khánh Linh đặt cho con mình.

Trong cuộc chiến sinh tử, sự sống của người bệnh còn đến từ những quyết định táo bạo và sáng tạo của các bác sĩ quân y. Những trái tim người lính quân y thấm sâu lời dạy của Bác lại bừng lên tỏa sáng. Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung, Thiếu tá Diệp Hồng Kháng- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm và Thượng tá Vũ Đình Ân - Phó giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Quân y 175) bằng trình độ, sự mưu trí, sáng tạo đã quyết định cải tiến, chia đôi máy thở ECMO, cứu sống bệnh nhân.

“Ai cũng thương mến chú bộ đội”, “chú bộ đội luôn có mặt khi người dân cần”, từng câu nói, từng ánh mắt cảm kích qua đoạn phóng sự tại chương trình cho thấy niềm tin, sự yêu mến của nhân dân dành cho bộ đội tăng lên mỗi ngày. Câu chuyện cứ thế kéo dài theo từng đoàn xe thồ bộ đội dùng chở thực phẩm vào từng ngõ hẻm, ngóc ngách trao đến tay người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Những chiếc xe thồ của một Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã đi vào huyền thoại, giờ đây đã trở lại để thực hiện sứ mệnh làm nên một chiến thắng nữa. Khẳng định tinh thần thời chiến người dân xả thân tiếp tế cho bộ đội, đến thời dịch bệnh bộ đội ngày đêm chăm lo cho dân.

Tiết mục ca múa nhạc trong chương trình. Ảnh: Phạm Hưng

Quyết liệt là thế, nhưng kẻ thù vô hình ngày càng phức tạp, vì cuộc sống của nhân dân, không ai được phép lơ là. Đã 2 năm nay Trung úy Trần Tuấn Lực, Đội trưởng Vũ trang Đồn cửa khẩu Hoàng Diệu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước bám chốt xa nhà. Lá thư anh gửi mẹ kể về những “đặc sản” muỗi rừng, rắn rết và cả sự ứng phó thời tiết nơi biên viễn... nhưng các anh vẫn không ngừng cố gắng vì phía trước là Tổ quốc, phía sau là hàng triệu đồng bào. Lời tâm sự của Trung úy Lực cũng chính là nỗi lòng của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ các chốt theo tuyến biên giới. Trung úy Trần Tuấn Lực chia sẻ, bức thư ấy cũng đã giành giải Nhất cuộc thi “Nhật ký đối mặt Covid-19” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức vừa qua.

Trong cuộc chiến mới, người lính cũng thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Để hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân, Đại úy QNCN Lê Minh Sang, lái xe Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã nén trong lòng những nỗi lo giằng xé, những đêm thức trắng, nghẹn đắng khi cha mẹ và cha vợ lần lượt qua đời vì Covid-19; hay những trải lòng của đồng chí Dương Thanh Hoàng, chiến sĩ dân quân tự vệ quận 7, tổ xử lý thi hài cho các nạn nhân mất vì Covid-19. Ai cũng mong sớm chiến thắng đại dịch Covid-19 để những chuyến xe đặc biệt không còn phải lăn bánh.

Trong suốt quãng thời gian đất nước đối mặt với những đợt sóng bùng phát dịch Covid-19, chẳng lúc nào trên mặt trận không tiếng súng ấy thiếu vắng những màu xanh áo lính. Có người gọi đó là màu áo anh hùng. Còn đối với các anh vẫn không ngừng nỗ lực để trở thành điểm tựa của nhân dân, xứng đáng với tên gọi mà nhân dân yêu mến đặt “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là động lực để họ tự tin bước vào cuộc trường chinh mới, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Theo QĐND

Bình luận

ZALO