Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Chương trình 135 làm thay đổi nhanh diện mạo vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Năm 2018 đánh dấu tròn 20 năm thực hiện Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định: “Sau 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn lao.

5c30687a3f5e020f5b0000c1
Hầu hết trẻ trong độ tuổi ở các xã ĐBKK được đến trường. Ảnh: Bích Nguyên

Hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) ĐBKK được đầu tư xây dựng hàng ngàn công trình đường, điện, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng… Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chương trình 135 được xác định là chương trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước có ảnh hưởng không những đến phát triển KT-XH, cải thiện đời sống cho đồng bào ở các vùng này, mà còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng ở những địa bàn xung yếu, chiến lược của đất nước.

Những dấu ấn quan trọng

Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng 135, Ủy ban Dân tộc  cho biết, Chương trình 135 được triển khai qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1999 - 2005, chương trình đã thực hiện đầu tư trên địa bàn 2.410 xã. Giai đoạn 2006-2010, triển khai tại 1.958 xã. Giai đoạn 2011-2015, có 2.331 xã được thụ hưởng chương trình và giai đoạn 2016-2018, thực hiện ở địa bàn 2.139 xã. “Qua từng giai đoạn, Chương trình 135 được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau. Mỗi một mô hình đều có mục tiêu, nội dung cụ thể phù hợp với thực trạng KT-XH của địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực cho chương trình” – Ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trước khi thực hiện Chương trình 135, xuất phát điểm, hầu hết các xã ĐBKK, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới đều có cơ sở hạ tầng thiết yếu rất thấp kém hoặc chưa có, các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu; dân trí thấp, tỉ lệ mù chữ và thất học trên 60%, nhiều bệnh tật, tập tục lạc hậu. Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất rất khó khăn, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, du canh, du cư. Số hộ đói nghèo ở khu vực này trên 60%.

Sau 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã mang lại kết quả rất ấn tượng. Hầu hết các xã ĐBKK đã có đầy đủ các công trình hạ tầng, tuy quy mô còn nhỏ, số lượng còn hạn chế so với nhu cầu nhưng đã có bước thay đổi lớn về KT-XH trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giai đoạn 1999-2005, giảm 4,5%/năm; giai đoạn 2006 đến nay, giảm khoảng 3,5%/năm). Nhiều hộ DTTS vươn lên làm giàu.

Qua thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng đã xóa bỏ phần lớn các trường, lớp tạm, tạo điều kiện huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã ĐBKK đến trường, góp phần tích cực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Các trạm y tế đạt chuẩn đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và hàng ngàn hộ dân đã có nước sạch để dùng.

“Những kết quả trên đã làm thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng DTTS và miền núi, thực sự là lực lượng vật chất to lớn, góp phần thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo ở địa bàn ĐBKK này” - Ông Hùng nhấn mạnh.

Những thách thức lớn cần vượt qua

Theo Ủy ban Dân tộc, so với mặt bằng chung của cả nước, nhiều xã, thôn bản địa bàn vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất khó khăn. Thiên tai và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đồng bào. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện sản xuất bị co hẹp. Số lượng và tỉ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo đã giảm, nhưng tỉ trọng hộ nghèo DTTS lại tăng dần theo từng năm, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn 27,56%, gấp hơn 4 lần so với tỉ lệ nghèo chung của cả nước (6,71%).

v9mh_9b
Thực hiện Chương trình 135, hàng ngàn hộ dân các xã ĐBKK đã được sử dụng nước sạch. Ảnh: Bích Nguyên.

Phân tích sâu hơn về kết quả đã đạt được, với góc nhìn hướng về phía trước, ông Hoàng Xuân Thành, chuyên gia tư vấn cho rằng, nếu hướng tới tương lai, vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đó là tỉ lệ nghèo của vùng DTTS còn cao, một bộ phận thiếu đói những ngày giáp hạt, tình trạng dinh dưỡng của một bộ phận lớn trẻ em chưa đảm bảo. Đó còn là sự đa dạng của tình trạng nghèo ở vùng DTTS; khoảng cách, chênh lệch sâu sắc giữa các địa bàn, các nhóm dân tộc. Trong khi đó, bối cảnh đang thay đổi rất nhanh, sự tiếp xúc với không gian bên ngoài của các cộng đồng thôn, bản DTTS ngày càng rộng mở, tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, các rủi ro ngày càng phức tạp như thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường, việc làm, tín dụng, rủi ro do các hoạt động xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản... Cùng với đó là những hạn chế trong thiết kế và thực thi chính sách chưa được khắc phục.

Để chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng DTTS trong thời gian tới đạt hiệu quả, ông Thành cho rằng: “Cần phải có những thay đổi mạnh mẽ, áp dụng thực chất cách tiếp cận dựa trên quyền bình đẳng, phát huy vai trò chủ thể tích cực của cộng đồng. Bên cạnh đó, phải tích hợp chính sách, tập trung nguồn lực, lấy thôn, bản làm trung tâm để tập trung hỗ trợ mạnh hơn cho các địa bàn ĐBKK, nhất là vùng DTTS và miền núi”.

Ông Thành gợi ý, cách tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nội lực hướng đến đồng bào nghèo nên dựa trên các trục chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, xây dựng, củng cố các tổ chức nông dân, thiết chế cộng đồng - thực hiện các mô hình, tiểu dự án dựa vào cộng đồng. Trong đó, truyền thông cần đi trước một bước để người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng.

Ngọc Lan

Bình luận

ZALO