Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Chứng tích lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn

Biên phòng - Ánh nắng vàng chiếu sáng trên trục đường quốc lộ 9 về cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai khiến chúng tôi nhớ An Khê Trường - căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773). Nơi đây đã khơi dòng lịch sử về một trong những di tích trong quần thể Tây Sơn Thượng Đạo ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Vùng đất này còn là nơi sinh sống lâu đời của cư dân Ba Na bản địa và nơi định cư sớm của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên.

Toàn cảnh di tích lịch sử - văn hóa An Khê Trường sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Theo hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng Đạo, đây là vùng đất phía trên đèo An Khê, ngày nay phân bố đều cả 4 địa phương: An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro và Kbang. Trong đó, An Khê Trường (thị xã An Khê ngày nay) là một trong 17 di tích nằm trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng Đạo. An Khê Trường là “Trường giao dịch”, nơi giao tiếp của 3 anh hùng áo vải nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Đây là nơi được chọn làm căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1773) trong việc tập hợp lực lượng khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn trước khi tiến quân xuống đồng bằng vào năm 1773.

Theo anh Trần Đình Luân, cán bộ Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo, An Khê Trường được xây dựng trên một gò đất khá rộng và bằng phẳng, đây là vị trí quan trọng, nơi người Kinh tiếp xúc với người Ba Na để giao thương buôn bán hàng hóa. Trong quá trình này, 3 anh hùng áo vải nhà Tây Sơn đã vận động người dân tham gia nghĩa quân để tập hợp lực lượng khởi nghĩa, trở thành căn cứ xây dựng lực lượng, huấn luyện, tích trữ lương thảo của nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa phong trào Tây Sơn.

Cổng vào di tích lịch sử - văn hóa An Khê Trường là 2 hàng trụ đá lớn màu xám được đẽo nguyên khối và trang trí thêm những biểu tượng của cồng chiêng Ba Na gợi vẻ trang nghiêm và đậm chất văn hóa Tây Nguyên. 2 cánh cổng vào được đắp phù điêu đắp nổi diễn tả cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Phù điêu tuy không lớn nhưng được làm rất tinh tế, lột tả cảnh người cưỡi voi rất sinh động, cảnh thồ hàng ra trận, cảnh những ngôi nhà rông, dòng suối, đồi núi… Hình ảnh người Ba Na được khắc họa tinh tế, thể hiện được ngoại hình cũng như tính cách đặc trưng của họ. Ngoài ra, vẻ mặt họ còn toát lên niềm vui, sự tin tưởng vào thủ lĩnh Nguyễn Huệ, lòng trung trinh cũng như sự quyết tâm đồng lòng để giành chiến thắng. Bức phù điêu ngắn nhưng khách có thể ngắm và suy tư mãi về ý nghĩa cuộc chiến vĩ đại cũng như khâm phục sự tài hoa của người nghệ sĩ điêu khắc.

Chị Cao Thị Lệ, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê) cho biết, thời gian qua, cùng với việc chú trọng quy hoạch, đầu tư trùng tu, tôn tạo các cụm di tích, thị xã An Khê đã tăng cường quảng bá, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử vùng Tây Sơn Thượng Đạo, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991 với 17 di tích, chia thành 6 cụm, phân bố ở 3 huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Tháng 8 vừa qua, tại Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND thị xã An Khê long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 230 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2022) và đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Tây Sơn Thượng Đạo.

Bên cạnh đó, để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn, hằng năm, vào ngày 9/2, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội tế thần và ngày 10/2 tổ chức lễ hội cầu huê, buôn bán ẩm thực của địa phương vì nơi đây là giao thương buôn bán thời xưa của nhà Tây Sơn. Từ năm 1975, vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức lễ mừng Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chiến thắng vang dội của nhà Tây Sơn còn lưu truyền mãi trong dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao, sự nghiệp hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.

Đến với An Khê Trường, du khách có cơ hội ôn lại lịch sử nước nhà, tận mắt chiêm ngưỡng những chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ, vang danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn cũng như sống lại giây phút hào hùng của dân tộc. Du khách còn được dâng hương trong đình thờ kết cấu theo kiểu đình truyền thống của dân tộc, toàn bộ được làm bằng gỗ gợi vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ vang danh của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, khám phá.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO