Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam

Biên phòng - Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là hoạt động mang tính nhân đạo sâu sắc, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của hàng triệu đồng bào, những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống.

qpin_7a
Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí và làm sân bê tông cho gia đình cựu chiến binh Đào Xuân Định, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là thương binh 2/4 và nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: CTV

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã hồi sinh và phát triển nhưng vết thương chiến tranh, di chứng chất độc hóa học để lại vẫn còn đó. Theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đến nay, chất độc da cam đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học, di chứng của chất độc này đã xuất hiện ở thế hệ thứ tư. Trong số đó, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam. Theo đó, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam. Hiện tại, cả nước có hơn 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và được trợ cấp hàng tháng. Hơn 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí.

Cùng với đó, từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học và phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm tại các điểm nóng nhiễm chất độc da cam như: Sân bay Đà Nẵng (Đà Nẵng), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát (Bình Định)... Ngoài ra, Chính phủ cũng tích cực triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được thành lập vào năm 2004, nhằm giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đến nay, Hội đã hình thành một mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương đến địa phương với gần 400.000 hội viên. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội nhằm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều phong trào do Hội phát động đã mang lại hiệu quả lớn như: Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam...

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, 15 năm qua, Hội đã vận động được hơn 2.045 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức và cá nhân trong nước ủng hộ hơn 1.925 tỷ đồng, các tổ chức và cá nhân ngoài nước ủng hộ hơn 120 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ to lớn đó, Hội đã xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng ở Trung ương Hội và hỗ trợ xây dựng 21 Trung tâm nuôi dưỡng ở các tỉnh, thành phố. Các Trung tâm nuôi dưỡng đã trở thành “mái ấm” của các nạn nhân chất độc da cam, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và đưa các nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội đã chi Quỹ "Giúp đỡ nạn nhân" xây mới 4.983 nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương; trợ cấp hơn 8.000 suất học bổng cho học sinh là nạn nhân chất độc da cam; trợ giúp tìm việc làm 885 suất; hỗ trợ vốn sản xuất, tặng các phương tiện sinh hoạt, khám bệnh và cấp thuốc, trợ cấp khó khăn, thăm hỏi và tặng quà lễ, tết với tổng giá trị hơn 1.516 tỷ đồng. Một hướng đi mới được mở ra vào năm 2014, khi Trường Cao đẳng nghề thuộc Trung ương Hội được thành lập, để đào tạo nghề, tạo việc làm cho các nạn nhân chất độc da cam. Sau hơn 5 năm, nhà trường đã đào tạo được 14 lớp với 360 học viên, sau khi ra trường, các học viên cũng được bố trí việc làm do các công ty liên kết hỗ trợ.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đã không ngừng nỗ lực vươn lên để trở thành người có ích, tiêu biểu như: Anh Nguyễn Ngọc Phương ở Đà Nẵng, anh Lê Xuân Thủy ở Quảng Nam, chị Vương Thị Quyên ở Quảng Bình... Do di chứng chất độc da cam từ người cha để lại nên khi sinh ra, anh Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1981), quê xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đã bị tàn tật, dáng người nhỏ bé, chỉ cao gần 1 mét. Nhưng bằng ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của bản thân, anh Phương đã học nghề sửa chữa xe máy để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Với tay nghề giỏi và lòng nhiệt tình, anh Phương đã được Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng mời về giảng dạy và chăm sóc các nạn nhân ở đây.

r6d4_7b
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hòa, BĐBP Bình Phước nhắn tin ủng hộ chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2019. Ảnh: Thành Chung

Tiệm sửa chữa điện tử của anh Lê Xuân Thủy (sinh năm 1983), ở phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến bởi tay nghề và nghị lực vượt khó của anh. Anh Thủy bị nhiễm chất độc da cam từ người mẹ, bị liệt 2 chân từ nhỏ, nhưng anh vẫn ham học. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp nghề, anh quyết tâm lập nghiệp để giúp đỡ gia đình bằng cách mở tiệm sửa chữa điện tử. Hiện nay, anh đã lập gia đình và may mắn có những người con không bị di chứng chất độc da cam. Anh Thủy lại có thêm tự tin và khát khao làm việc nhiều hơn nữa để lo cho gia đình. 

Chị Vương Thị Quyên (sinh năm 1989) sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vượt qua mọi mặc cảm, nỗi đau do di chứng chất độc da cam nặng nề, chị Quyên đã vươn lên trong học tập, tốt nghiệp Trung cấp tin học Trường Đại học Quảng Bình. Năm 2014, chị là một trong những gương mặt tiêu biểu trong “tìm kiếm tài năng nữ sinh trẻ” của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và được học bổng đi du học tại Ấn Độ. Năm nay, chị Quyên vinh dự được lựa chọn trở thành Đại sứ của chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2019, nhằm truyền lửa cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ về nghị lực vượt qua số phận, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Nỗi đau da cam đã trở thành nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại, chính vì vậy, hơn bao giờ hết, họ rất cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, quan tâm, động viên về tinh thần của cả cộng đồng xã hội. Từ đó, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam và đó cũng là hành động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân những người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thành Chung

Bình luận

ZALO