Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 02:48 GMT+7

Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Biên phòng - Chiến tranh lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng trên khắp lãnh thổ của Việt Nam, hậu quả mà chiến tranh trong quá khứ để lại vẫn còn đó. Tàn tích của chiến tranh vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất ở khắp các tỉnh, thành của nước ta, vô số bom mìn sau chiến tranh vẫn còn đó và chưa thể nào gỡ bỏ hết được. Những hậu quả mà chiến tranh để lại vẫn là mỗi nguy hại tiềm ẩn khôn lường đến cuộc sống của người dân trong thời bình.

0tvu2wagj3-9784_f_jqxhsc3j0_1
Các chiến sĩ công binh xử lý một quả bom lớn còn sót lại sau chiến tranh.

Theo kết quả điều tra, hiện nay, tỉnh Bình Định có 40% diện tích đất và tỉnh Quảng Bình có gần 28% diện tích đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Những vùng đất ô nhiễm bom mìn trở thành nỗi ám ảnh lâu dài. Thời gian qua, cùng với các dự án của Chính phủ Việt Nam, nhiều cơ quan, tổ chức nước ngoài đã tài trợ kinh phí và tham gia rà phá bom mìn, làm sạch nhiều vùng đất chết.

Từ sau 30-4-1975 đến hết năm 1977, Bình Định đã dò gỡ trên 200 bãi mìn và các khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng, giải phóng diện tích 815 ha; thu gom và xử lý 84.754 bom mìn, vật nổ các loại. Từ năm 1978 đến năm 2016, tại tỉnh Bình Định, lực lượng công binh đã dò tìm, xử lý được trên 8.000ha (tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực trọng điểm ô nhiễm bom mìn nặng,...); thu gom và xử lý 288.199 bom mìn, vật nổ các loại. Riêng dự án thuộc Chương trình 504 do Nhà nước hỗ trợ (năm 2013) đã giải phóng được 1.200 ha đất (TP Quy Nhơn: 300ha, huyện Hoài Nhơn: 200ha, TX An Nhơn: 700ha), thu gom và tiêu hủy được 2.278 bom mìn, vật nổ các loại.

Theo số liệu khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn - vật nổ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2010, tỉnh còn khoảng 246.834ha (chiếm tỉ lệ 40,79% diện tích đất tự nhiên) bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện: An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 627 vụ tai nạn về bom mìn, làm chết 1.045 người và bị thương 3.049 người. Trong đó, tai nạn trong lúc khai hoang đất sản xuất và canh tác: 289 vụ; làm đường giao thông, đào mương thủy lợi, xây dựng công trình kinh tế, xã hội: 72 vụ. Toàn tỉnh Quảng Bình có 159/159 xã bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới 224.934.5ha. Từ sau 1975 đến năm 2013, Quảng Bình có 5.847 người chết, bị thương và con số này vẫn tiếp tục tăng. Trong vòng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 và bị thương 115 người.

Sáng ngày 9-3, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ khởi động Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”. Dự án nhằm loại trừ triệt để ảnh hưởng của bom mìn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó cũng sẽ nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Hỗ trợ các nạn nhân do bom mìn gây ra, đồng thời giúp nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Dự án đánh dấu một mốc quan trọng nữa trong tình hữu nghị chân thành giữa nhân dân hai nước Việt - Hàn và bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án này sẽ giúp hiểu rõ hơn những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt và cùng nhau nỗ lực vượt qua những thách thức đó để có thể đưa hai dân tộc đến gần nhau hơn nữa.

Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” sẽ được thực hiện trong 3 năm (2018-2020). Dự án sẽ chia làm 21 tổ khảo sát và 52 tổ rà phá. Dự kiến, các hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn áp dụng phương pháp mới sẽ được triển khai từ cuối năm 2018, với mục tiêu khảo sát và rà phá bom mìn trên địa bàn hai tỉnh với tổng diện tích lên đến 20.000 ha.

Năm 2018, công tác rà phá bom, mìn sẽ được tiếp tục triển khai tại các tỉnh Quảng Bình và Bình Ðịnh bằng vốn viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm bom, mìn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mang lại bình yên cho cuộc sống.

Quang Long

Bình luận

ZALO