Biên phòng - Hiện nay, cả nước có hơn 100 nghìn tàu đánh cá, trong đó, Kiên Giang có trên 14 nghìn tàu lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ. Như vậy, chia trung bình diện tích 63 nghìn km2 mặt biển của tỉnh thì mỗi tàu chỉ có hơn 4km2 để hoạt động. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập, nếu không có các biện pháp bảo vệ ngư trường và khai thác hợp lý tài nguyên biển.
Ngư trường Kiên Giang được đánh giá chật hẹp, trong khi ngư dân vẫn còn đánh bắt bằng các nghề mang tính hủy diệt như thuốc nổ, xung điện... Khai thác quanh năm, không theo mùa vụ dẫn đến ngư trường bị cạn kiệt. Ngoài ra, biển còn hứng chịu một lượng rác thải, nước thải độc hại từ các nhà máy, các đô thị ven biển thải ra không qua xử lý, ô nhiễm nặng nề.
Hệ lụy là nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm, ngư dân khai thác không hiệu quả, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Long, 61 tuổi, trú tại khu phố 7, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, suốt 3 thế hệ gia đình ông đều gắn bó với biển. Chỉ 3 năm trước, ông vẫn còn dọc ngang trên tuyến biển Kiên Giang với chiếc tàu có công suất 560CV. Tuy nhiên hiện nay, muốn có cá phải đánh bắt khơi xa, phải có tàu lớn, chi phí mỗi chuyến cả vài trăm triệu đồng. Đến cuối năm 2017, ông Long bán tàu cá chuyển sang nghề chạy đò dọc.
Lý giải về quyết định của mình, ông Long cho biết: “Lượng hải sản đánh bắt được ở vùng biển trong nước giảm mạnh, chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng, buộc tôi và một số ngư dân phải bỏ nghề. Còn nếu theo nghề biển, thì phải chấp nhận theo tài công, chủ tàu đi sang vùng biển nước láng giềng đánh bắt. Việc làm này là vi phạm pháp luật Việt Nam...”.
Điều đáng nói là vẫn còn tình trạng tàu cá, ngư dân của Kiên Giang sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 58 tàu và 553 ngư dân bị các nước bắt giữ, xử lý. Điều đáng nói là theo Chỉ thị của UBND tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành phải hành động quyết liệt để đến ngày 30-4-2018 phải chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thế nhưng, 1 năm qua, tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt. Nếu tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn, thì sẽ rất bất lợi cho hải sản Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu và các nước trên thế giới. Các khuyến nghị đã được đưa ra để Việt Nam khắc phục thẻ vàng do Liên minh châu Âu áp đặt, nhất là những yêu cầu liên quan đến quản lý tàu cá đánh bắt trên biển và truy xuất nguồn gốc hải sản. Đây cũng là những vấn đề mà địa phương cần phải tháo gỡ trong thời gian sớm nhất để khắc phục thẻ vàng.
Ông Thái Thanh Lập, Phó phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Thời gian qua, cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương và BĐBP Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Các lớp triển khai các văn bản nội dung mới của Luật Thủy sản 2019 về đánh bắt an toàn được Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đều đặn mỗi tháng cho ngư dân nắm bắt kịp thời...”.
Để chuẩn bị tiếp đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu, thời gian qua, Ban Quản lý cảng cá, bến cá Kiên Giang và các đồn Biên phòng trên địa bàn đã lập kế hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý đánh bắt. Theo đó, các hoạt động xuất bến, đánh bắt trên biển hay thẩm định truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khi cập cảng đều được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bảo Thy