Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:30 GMT+7

Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Tuyến biên giới của tỉnh Quảng Nam có hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, phong tục, tập quán một số nơi còn lạc hậu, trong đó có là nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Bởi vậy, việc thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” là một bước tiến mới nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng để đẩy lùi hủ tục này.

97fm_18-1
Các tổ trưởng trong thôn Glao ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong tổ. Ảnh: Hồng Anh

Từ mô hình điểm Glao

Chỉ ra nguyên nhân tồn tại của nạn tảo hôn, bà BLing Thị Đúc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ga Ry, huyện Tây Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân cốt yếu chính là đời sống khó khăn, nhiều bố mẹ muốn con có gia đình sớm, để được hưởng khoản thách cưới do nhà trai mang tới. Mặt khác, các em học sinh bỏ học sớm, lực học yếu, tâm lý tự ti không muốn đi học nên ở nhà lấy vợ, chồng. Hệ lụy của kết hôn sớm là việc mất cơ hội học tập, gia đình không hạnh phúc vì ý thức xây dựng, chịu trách nhiệm được với vợ/chồng, con cái. Kết hôn khi cơ thể bố mẹ chưa phát triển đầy đủ, họ hàng chưa quá 3 đời dẫn đến việc sinh ra những đứa con không khỏe mạnh. 

Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 8-3-2016 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam tổ chức lễ ra mắt mô hình “Chi hội phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Glao, xã Ga Ry, huyện Tây Giang. 

Chương trình hoạt động của chi hội tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về: Vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ xảy ra ở địa bàn biên giới. Các hội viên khi tham gia đều ký cam kết không vi phạm và các tổ trưởng trong thôn cũng ký cam kết chịu trách nhiệm tuyên truyền, không để các hội viên trong tổ vi phạm. Để làm phong phú các hình thức tuyên truyền, Đồn Biên phòng Ga Ry cũng tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động bà con với nhiều hình thức trực quan sinh động như lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân, sân khấu hóa.

Thông qua mô hình, với sự vào cuộc của cán bộ hội phụ nữ và Đồn Biên phòng Ga Ry, bà con đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động. Trước đây, các gia đình đều muốn gả con sớm để đỡ nặng gánh, thì nay đã chuyển hướng sang đầu tư cho con cái đi học. Ý thức của lớp trẻ cũng đã thay đổi, các bạn trẻ cũng muốn thoát ly đi lao động kiếm sống chứ không muốn ở nhà, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Khi được hỏi về việc tham gia Chi hội phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chị Bling Ngươm cho biết: “Từ ngày tham gia Chi hội phụ nữ, tôi hiểu biết thêm nhiều điều. Giờ thì tôi và các chị em phụ nữ khác đều hiểu việc con cái lấy vợ, chồng sớm sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp, càng không thể cho nó lấy họ hàng gần, vì tôi không muốn có những đứa cháu xấu xí, bệnh tật”. 

Đồng hành cùng phụ nữ biên giới

Dù mới bước sang tháng 5 kể từ ngày đi vào hoạt động, nhưng mô hình “Chi hội phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã đem lại hiệu quả bước đầu. Từ việc chỉ có phụ nữ tham gia vào mô hình này, đến nay, chi hội đã “mở rộng” thêm việc tuyên truyền, vận động đàn ông tham gia và mang lại hiệu quả không ngờ. Bà Ta Ngôn Thị Tiên, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Glao cho biết: “Thực ra, việc giữ gìn hạnh phúc gia đình không chỉ do phụ nữ mà trách nhiệm còn thuộc về đàn ông. Chưa kể, trong rất nhiều gia đình, phụ nữ không có tiếng nói, nên chúng tôi quyết định phải “đả thông tư tưởng” cho đàn ông thì việc tuyên truyền lại dễ dàng hơn.

Ở thôn Glao trước đây có trường hợp, gia đình có con gái mới 15 tuổi nhưng bố mẹ đã muốn gả chồng. Hội phụ nữ đã đến gặp người mẹ để thuyết phục không nên để con gái kết hôn sớm, nhưng chị chỉ lắc đầu: “Việc này chồng tôi quyết định. Tôi chỉ biết nghe theo”. Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry, Hội phụ nữ đã gặp người chồng để giải thích việc lấy chồng của con sẽ không được pháp luật công nhận, tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, rồi để con gái ở lại sẽ giúp bố mẹ làm nương, chăm em... Nghe cán bộ nói vừa có lý, có tình, nên người chồng đã đồng ý hoãn không gả con gái cho đến khi đủ 18 tuổi.

Thực tế, việc kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định và kết hôn cận huyết thống ở các bản làng ở biên giới Quảng Nam đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình. Bởi vậy, việc tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam nói chung và khu vực biên giới nói riêng là rất cần thiết. Là người trực tiếp quản lý địa bàn, BĐBP Quảng Nam đã tích cực chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với các đoàn thể triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Việc thực hiện tốt Đề án này góp phần nâng cao nhận thức, trình độ dân trí hiểu biết pháp luật cho đồng bào.

Ngoài việc tuyên truyền, BĐBP Quảng Nam cũng phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tập trung hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế thông qua khởi nghiệp, phát triển chuỗi giá trị và tiếp cận tài chính. Bởi vậy, khi ra mắt mô hình “Chi hội phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, 2 bên cũng phối hợp triển khai nhiều mô hình khác như: Mô hình trồng cây đẳng sâm xen bắp nếp (với kinh phí đầu tư trên 115 triệu đồng); mô hình nuôi ngan sinh sản cho 20 hộ phụ nữ nghèo (với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng). Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các chi, tổ hội của Hội LHPN xã Ga Ry; tổ chức lớp truyền thông về vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, những hệ lụy của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... 

Trúc Hà - Hồng Anh 

Bình luận

ZALO