Biên phòng - Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, BĐBP Hà Giang đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần đổi thay, những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân dần được xóa bỏ.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, nguy hiểm hơn là tăng tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi và của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết thống còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì là xã biên giới đặc biệt khó khăn, trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở đây vẫn còn tồn tại một số phong tục lạc hậu. Trong thâm tâm của một số người dân vẫn coi việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một tập tục lâu đời của địa phương mà chưa nhận thức rõ những tác hại của hủ tục này đối với sức khoẻ đời sống và giống nòi. Gia đình Anh Hoàng Quốc Linh, ở thôn Bản Máy là một trong những cặp vợ chồng có hôn nhân cận huyết thống. Trước khi anh chị có tình cảm với nhau, trong gia đình anh Linh đã có người ngăn cản việc lấy vợ, gả chồng cùng huyết thống, song, do thiếu hiểu biết về những hệ luỵ của hôn nhân cận huyết thống, anh chị vẫn quyết tâm đến với nhau. Thật may mắn, khi anh và người vợ của mình tuy có hôn nhân cận huyết thống, nhưng hai đứa con hiện tại vẫn khỏe mạnh bình thường.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, Đồn Biên phòng Bản Máy đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, nắm chắc các phong tục, tập quán của 7 dân tộc trong xã, trên cơ sở đó phân loại, kết hợp tuyên truyền, vận động, trước tiên là đối với cán bộ thôn, xã, người đứng đầu dòng họ, người có uy tín thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn văn hoá, từng bước bài trừ các tập tục lạc hậu. Bằng các hình thức tuyên truyền linh hoạt, dễ hiểu, dễ nghe, lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt thôn, trong các phiên chợ… đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Thượng tá Đặng Quốc Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Máy cho biết: “Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đó là cộng đồng người dân trên địa bàn vẫn coi đây là một tập quán lâu đời. Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về luật pháp của Nhà nước, đơn vị cũng kết hợp với vận động, thuyết phục để nhân dân hiểu sâu những ảnh hưởng tiêu cực của hệ lụy trên đối với sức khỏe, giống nòi”.
Quán triệt Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, bài trừ hủ tục lạc hậu ở đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã triển khai cho các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền tới quần chúng nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của địa phương lồng ghép các buổi tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Từ đó, đã xuất hiện một số mô hình điển hình, nổi bật nhất là mô hình “Xoá bỏ kết hôn cận huyết thống” trên địa bàn Đồn Biên phòng Thàng Tín. Qua đó, tại xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, từ tháng 12/2020 đến nay, đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống, đồng thời, đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, phát huy, bảo tồn giá trị văn hoá tốt đẹp, bài trừ những tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”, BĐBP Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Giang, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Thư viện tỉnh Hà Giang tổ chức truyên truyền tại 13 xã biên giới và 4 xã nội địa, trên 7 huyện biên giới được 17 buổi, với hơn 6 nghìn lượt người nghe.
Bằng hình thức sân khấu hóa, phát tờ rơi, kết hợp chiếu phim tài liệu và lồng ghép các câu hỏi có phần thưởng, đã thu hút được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi mà đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ đang trong tuổi vị thành niên để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng này. Qua đó, giúp người dân vùng sâu, vùng xa có cái nhìn sâu sát từ những hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra.
Ông Hoàng Sẩn Dùng, hội viên Hội người cao tuổi thôn Tà Chải, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Trước kia, người già trong thôn không hiểu rõ về những tác hại của việc cho con cái lấy vợ lấy chồng sớm cũng như anh em trong dòng họ lấy nhau. Bây giờ, được cán bộ BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích bằng khoa học, bà con đã hiểu rõ và đều tự nguyện cam kết thực hiện nghiêm vấn đề này”.
Với sự tích cực vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang, cũng như các cấp chính quyền địa phương, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên khu vực các xã biên giới tỉnh Hà Giang đã giảm rõ rệt. Trong năm 2022, trên địa bàn 34 xã, thị trấn biên giới, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, hoãn kết hôn 19 cặp do chưa đủ tuổi kết hôn.
Tuy nhiên, vẫn chưa chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, hơn nữa, những phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2018, trên toàn tỉnh Hà Giang ghi nhận 2.348 cặp vợ chồng tảo hôn và 67 cặp có hôn nhân cận huyết thống… Do vậy, để từng bước bài trừ tình trạng trên, rất cần có sự vào cuộc và chung tay của cả xã hội, các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp để phấn đấu vì một xã hội văn minh, tiến bộ, phát triển.
Xuân Minh