Biên phòng - Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới, biển đảo, thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào các dân tộc trên biên giới đã cùng với BĐBP triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình thiết thực, hiệu quả. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Dưới đây là ý kiến tâm huyết của đại diện các đơn vị, địa phương và nhân dân về vấn đề này.

Bà Tạ Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An: “Chúng tôi rất trân quý những người lính mang quân hàm xanh”
Huyện Vĩnh Hưng có 5 xã biên giới tiếp giáp với Campuchia. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở địa phương luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của 3 đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Nổi bật là, hai bên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, trong đó có cán bộ, hội viên phụ nữ về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc. Đồng thời, tích cực thực hiện có hiệu quả các mô hình, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán người qua biên giới...
Thông qua công tác phối hợp, mối quan hệ giữa các cấp hội phụ nữ với các đồn Biên phòng ngày càng trở nên chặt chẽ và gắn bó mật thiết. Hằng năm, chúng tôi đều huy động các nguồn lực để hỗ trợ các đồn Biên phòng và nhân dân biên giới, nhất là vào các dịp lễ, Tết, Ngày Truyền thống BĐBP...
Đặc biệt, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vĩnh Hưng đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm, tặng quà, hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm cho các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tổ, chốt trên biên giới. Chúng tôi rất trân quý những tình cảm tốt đẹp cũng như những việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và luôn sẵn sàng đồng hành với những người lính mang quân hàm xanh trong công cuộc gìn giữ, quản lý và bảo vệ biên giới.

Ông Trương Văn Trai, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh: “BĐBP là chỗ dựa vững chắc của ngư dân”
Đối với ngư dân đánh bắt trên biển, hằng ngày phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do thiên tai, bệnh tật, tai nạn lao động..., do đó, chúng tôi luôn ý thức phải đoàn kết, liên kết tương trợ lẫn nhau để đảm bảo an toàn và đánh bắt hiệu quả.
Với sự hỗ trợ tích cực của BĐBP và chính quyền địa phương, mô hình Tổ tự quản tàu thuyền an toàn đã ra đời và hoạt động có nền nếp, mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân. Thông qua mô hình này, BĐBP có điều kiện nắm bắt thông tin về tình hình trên biển và tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chấp hành tốt các quy định trong quá trình đánh bắt hải sản.
Ngoài ra, trong thời gian qua, ngư dân trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong đó có BĐBP, với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể như tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, phao cứu sinh, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác hải sản... Đặc biệt, BĐBP là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi vươn khơi bám biển, bởi các anh luôn duy trì thông tin liên lạc với ngư dân trên biển, không quản ngại sóng to, gió lớn để tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngư dân mỗi khi có tình huống xảy ra. Những tình cảm đó khó có thể đong đếm được...

Ông Trần Nguyên Long, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông: “Nhân dân là tai, mắt của BĐBP”.
Trong điều kiện đường biên giới dài, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp thì vai trò của nhân dân trong việc hỗ trợ lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới trở nên hết sức quan trọng.
Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các đồn Biên phòng đã tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các phong trào, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Qua đó, nhân dân đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, trở thành “tai, mắt” của BĐBP trong nắm bắt tình hình địa bàn, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới...
Thực tế gần đây, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng Công an, dân quân và nhân dân xã Đắk Lao đã tích cực hỗ trợ lực lượng BĐBP tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ tại các tổ, chốt trên biên giới, tích cực phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định và phát triển.

Già làng Y Ka Byă, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: “Dân tin BĐBP từ lời nói đến việc làm”
Là một người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, được chính quyền và nhân dân địa phương quý trọng và tin tưởng, tôi hết sức vinh dự nhưng cũng luôn xác định trách nhiệm lớn lao của bản thân. Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày, tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ địa phương và cán bộ đồn Biên phòng tích cực vận động con cháu và nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức trong giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật...
Tôi có nhiều năm gắn bó và làm việc với BĐBP. Tôi nhận thấy rằng, những người lính mang quân hàm xanh luôn coi đồng bào các dân tộc như anh em ruột thịt, thường xuyên chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần để nhân dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn kiên trì bám dân, bám buôn, làng để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ bà con lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới. Nhờ những nỗ lực đó mà đến nay, đồng bào đã tự chủ trong việc làm ăn, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi và bà con trong buôn luôn trân trọng, biết ơn những việc làm ý nghĩa đó của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.
Lê Hữu Tình (thực hiện)