Biên phòng - Trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có BĐBP nhằm huy động nguồn lực tổng hợp để phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT để biết rõ hơn về kết quả và ý nghĩa của chương trình phối hợp giữa BĐBP với UBDT.
- Đề nghị Bộ trưởng cho biết 2 năm qua, chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và UBDT đã đạt kết quả như thế nào?
- UBDT và Bộ Tư lênh BĐBP đã triển khai chương trình phối hợp, tập trung vào một số nội dung chính như: Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc; phối hợp vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự địa bàn biên giới.
Đồng thời, các đơn vị từ cấp cơ sở đã phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa bàn biên giới, hải đảo. Hai cơ quan cũng thực hiện các hoạt động nghiên cứu tổng kết thực tiễn để làm cơ sở tham mưu cho Đảng, Nhà nước phát triển toàn diện địa bàn biên giới.
Đến nay, việc thực hiện chương trình phối hợp đã đạt được một số kết quả nổi bật là: Nhận thức, trách nhiệm của đồng bào DTTS trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự địa bàn biên giới được nâng lên. Hàng nghìn người dân tự nguyện tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản ở khu vực biên giới. Bên cạnh công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương chính sách phát triển vùng DTTS, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường 332 cán bộ Biên phòng, giữ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền các xã biên giới; giới thiệu 1.447 đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản...
Ở cấp Trung ương, Bộ Tư lệnh BĐBP và UBDT cũng phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều chương trình giúp dân có sức lan tỏa lớn như chương trình: Mái ấm và bò giống cho người nghèo nơi biên giới, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Tuyên dương học sinh DTTS tiêu biểu, xuất sắc”; “Điểm tựa của bản làng”... Các đơn vị cấp cơ sở của hai cơ quan cũng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào DTTS. Qua đó, ý thức tự giác chấp hành, tuân thủ và tìm hiểu pháp luật của người dân vùng DTTS và miền núi được hình thành; tình hình vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết ngày càng giảm.
- Nhìn một cách tổng thể, việc thực hiện chương trình phối hợp có ý nghĩa như thế nào đối với việc triển khai công tác dân tộc trong vùng DTTS và miền núi, thưa Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng hoạt động ký kết và thực hiện chương trình phối hợp giữa UBDT và Bộ Tư lệnh BĐBP là việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan công tác dân tộc, đơn vị Biên phòng đối với an ninh biên giới quốc gia và đời sống của đồng bào các dân tộc. Thông qua chương trình phối hợp, cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP trong việc nắm vững tình hình để kịp thời tham mưu, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp sát thực nhằm giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân.
- Ở thời điểm hiện tại, những điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của vùng DTTS là gì, thưa Bộ trưởng?
- Đến nay đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, có mạng điện thoại cố định và di động; 99,3% xã có trạm y tế, trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS đã giảm rõ rệt. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40%. Năm 2018, có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135. Đặc biệt, an ninh-quốc phòng vùng DTTS và miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố.
- Thực tế, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển KT-XH ở khu vực biên giới. Theo nhìn nhận của Bộ trưởng, những việc làm đó có đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của vùng DTTS?
- Nhiều năm qua, BĐBP không những đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách hiệu quả về củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng khu vực biên giới, biển đảo. Lực lượng BĐBP cũng có nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên biên giới, hải đảo...
Tôi đánh giá cao những việc làm thiết thực, cụ thể và nhân văn của BĐBP. Những việc làm đã góp phần vừa chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn biên giới, biển và hải đảo. Qua đó, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước.

- Theo Bộ trưởng, để xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, tạo điều kiện cho BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư như thế nào?
- Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, UBDT sẽ tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành những cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để phát triển khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS. Trong năm 2019, UBDT sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt để tổ chức thực hiện từ năm 2021.
UBDT sẽ phối hợp với BĐBP chung tay giúp đỡ, nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh của cộng đồng các dân tộc để phát triển KT-XH gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bích Nguyên (Thực hiện)