Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

Chung sức đưa pháp luật vào đời sống vùng biên giới

Biên phòng - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk luôn được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn biên giới của tỉnh được triển khai rộng khắp, từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Rvê tuyên truyền pháp luật cho người dân tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhận thức rõ vị trí quan trọng trong việc đưa pháp luật đi vào đời sống của nhân dân biên giới, nên ngay sau khi có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2021, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã biên giới khảo sát thực trạng tình hình chấp hành pháp luật, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những vụ vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn biên giới, cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, rà soát nguồn lực bảo đảm cho công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn. Từ đó, có giải pháp trong củng cố nhân lực, đầu tư các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, PBGDPL”.

Theo khảo sát của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, hầu hết các trường hợp vi phạm pháp luật và vi phạm quy chế biên giới trên địa bàn là do hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế. Do đó, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, các lực lượng BĐBP, Công an, Kiểm lâm và chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực, chung tay thực hiện hàng loạt biện pháp tuyên truyền, PBGDPL mang tính tổng thể. Trong đó, một số mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình “Tủ sách pháp luật vùng biên” được triển khai tại các đồn, các đội công tác Biên phòng, các địa phương biên giới, hay như các mô hình câu lạc bộ chấp hành pháp luật lan tỏa trên địa bàn biên giới.

Từ khi thực hiện Đề án đến nay, trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk đã có 14 tủ sách pháp luật, hơn 18 nghìn cuốn sách pháp luật, trên 44 nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật và hơn 28 nghìn đầu sách, băng đĩa có nội dung về giáo dục pháp luật. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, biên soạn các tài liệu dưới dạng tờ gấp hỏi, đáp dễ nhớ, dễ hiểu để bổ sung và tạo sự đa dạng, phong phú cho tủ sách pháp luật. Đặc biệt, mục phổ biến, giáo dục pháp luật trong “Thông báo nội bộ” và “Thông tin cơ sở” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, “Bản tin tư pháp” của Sở Tư pháp, “Bản tin tuổi trẻ Đắk Lắk” của Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã kịp thời cung cấp các nội dung về văn bản pháp luật mới cho cán bộ, nhân dân và được phát hành đến tận cơ sở.

Ông Đặng Phi Uyển, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tủ sách pháp luật như kho tài liệu cẩm nang về pháp luật để cán bộ, nhân dân trên địa bàn có thể tìm hiểu văn bản pháp luật. Đồng thời, qua nguồn tư liệu từ tủ sách pháp luật, lực lượng chức năng có thể nghiên cứu vận dụng làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân như truyền tải thành các bài tuyên truyền trên loa, tuyên truyền tập trung, đến từng hộ gia đình, từng đối tượng. Từ đó, chất lượng tuyên truyền được nâng cao và tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm rõ rệt”.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Gia đình không vi phạm quy chế biên giới” tại thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Cùng với các tủ sách pháp luật, các mô hình câu lạc bộ chấp hành pháp luật ở khu vực biên giới được hình thành, mang lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu như: Tổ tự quản an ninh trật tự với 308 thành viên, được thành lập tại 51 thôn, buôn; 4 Câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” tại xã Ia Rvê và 2 Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống vượt biên” tại xã Ia Lốp... Các câu lạc bộ này hoạt động theo quy chế cụ thể, mỗi hội viên phải chấp hành nghiêm quy chế và trở thành những thành viên tích cực trong tuyên truyền, giáo dục gia đình và cộng đồng cùng thực hiện.

Tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, từ năm 2013 trở về trước được biết đến là một “điểm nóng” về tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng, với hàng trăm vụ việc được phát hiện và xử lý mỗi năm. Song những năm gần đây, số vụ việc đã giảm mạnh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, chung tay của các lực lượng chức năng trên địa bàn như BĐBP, Công an, Kiểm lâm và chính quyền địa phương..., đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, PBGDPL.

Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, huyện Ea Súp khẳng định: “Trong thời gian qua, bằng nhiều kênh thông tin, với nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL phong phú, BĐBP và chính quyền địa phương đã giải quyết rất tốt các vấn đề về an ninh nông thôn trên địa bàn, chấm dứt tình trạng khiếu kiện liên quan đến đền bù đất đai kéo dài. Đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đã bảo đảm, chỉ số an ninh, an toàn của xã được cải thiện đáng kể so với trước đây”.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO