Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 01:18 GMT+7

Chung sức, đồng lòng bảo vệ biên giới

Biên phòng - Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đã tạo khí thế mới ở biên giới tỉnh Đắk Lắk. Với các mô hình đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, BĐBP Đắk Lắk đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

cwai_9a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Rê tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Nhìn từ Ia Rvê

Chúng tôi tới xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào những ngày giữa mùa khô, nắng rát. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở vùng đất mênh mông bốn bề rừng này là không khí thanh bình, yên ả. Ia Rvê là xã biên giới “non trẻ”, được thành lập từ năm 2006. Toàn xã có 1.957 hộ, gồm 6.432 khẩu, thuộc 21 dân tộc, sinh sống ở 14 thôn, trong đó có 4 thôn sát đường biên giới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Minh Lự, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, từ khi thành lập đến nay, chính quyền xã luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của Đồn Biên phòng (BP) Ia Rvê từ việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tới phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân ổn định cuộc sống.

“Đồn BP đã tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại các thôn, khu dân cư, tham mưu cho chúng tôi củng cố các tổ chức quần chúng. BĐBP cũng xây dựng các công trình phúc lợi, mô hình phát triển kinh tế chuyển giao cho người dân trong xã. Đặc biệt, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, từ khi xã thành lập đến nay, đều có sự giúp sức của BĐBP. Trong những năm qua, Đồn BP Ia Rvê đã tham mưu rất hiệu quả cho địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 34/2014/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền” - Ông Lự nói.

Năm 2016, 2017, tình hình an ninh trật tự ở xã Ia Rvê khá phức tạp do tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản của nhân dân. Để giải quyết tình trạng trên, Đồn BP Ia Rvê đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội”.

Phong trào đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng với 5.200 người dân đăng ký tham gia. Nhờ đó, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn giảm xuống, an ninh trật tự được giữ vững. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự trên địa bàn, Đồn BP Ia Rvê đã phối hợp với địa phương xây dựng các mô hình về an ninh trật tự như: Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới, vi phạm pháp luật”, “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”; “Thôn không có thanh niên vi phạm pháp luật”; “Tiếng kẻng an ninh”; “Tổ tự quản an ninh trật tự”...

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Rvê Lương Thị Hiên cho biết: “Hội Phụ nữ xã có 700 hội viên. Nhằm phát huy vai trò của chị em trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự biên giới, năm 2015, chúng tôi xây dựng CLB “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”. Chị em trong CLB cam kết thực hiện tốt một số quy định cụ thể như: Không chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới; phát hiện, tố giác tội phạm vi phạm quy chế biên giới; không tiếp tay, dẫn đường vượt biên trái phép...

Từ thành công của CLB này, năm 2016, chúng tôi tiếp tục xây dựng CLB “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”. Hằng quý, chúng tôi phối hợp với Đồn BP Ia Rvê tuyên truyền, vận động chị em chấp hành tốt quy chế biên giới.” Việc triển khai 2 CLB đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động của chị em về công tác quản lý biên giới. Chị em nắm rõ hơn các hiệp định, quy chế biên giới, các khu vực cấm, vành đai biên giới... và tuyên truyền cho người thân chấp hành tốt.

“Trước đây, nhiều người dân qua lại khu vực biên giới không đúng quy định. Một số người vượt biên trái phép để săn bắt thú rừng hoặc làm thuê... Tuy nhiên, từ khi xây dựng các mô hình trên, tình trạng vi phạm quy chế biên giới giảm rõ rệt” – Đại úy Trịnh Xuân Tuyên, Chính trị viên phó Đồn BP Ia Rvê cho hay.

k4hv_9b
Trung úy Nguyễn Quý Sang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Rê giới thiệu các đặc điểm chính của cột mốc 42 cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Ảnh: Bích Nguyên

Đến toàn tuyến Biên phòng Đắk Lắk

Đến nay, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới đã được triển khai sâu rộng trên toàn tuyến biên giới Đắk Lắk. Các đồn BP vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Chỉ tính riêng năm 2017, BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn thường xuyên dọn vệ sinh, phát quang các trục đường tuần tra biên giới, đồng thời, thực hiện tuần tra bảo vệ biên giới 360 đợt với hơn 1.400 lượt người tham gia.

Phát huy sức mạnh của toàn dân, các cấp, các ngành trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Đắk Lắk tham mưu, phối hợp chặt chẽ với 2 huyện biên giới, các sở, ban, ngành triển khai phong trào giữ gìn an ninh chính trị; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các đồn BP còn làm tốt công tác tham mưu xây dựng, củng cố hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

Thượng tá Đỗ Quang Thấm, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Đến nay, đơn vị đã tham mưu cho 4 xã biên giới thành lập và duy trì hoạt động của 51 Tổ tự quản an ninh trật tự với 308 thành viên. Có 23 tập thể, 421 hộ dân, 1.443 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. 51 thôn, buôn và hơn 3.200 hộ cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; 2 tập thể Hội Phụ nữ đăng ký tham gia CLB “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”.  Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

“Phong trào đã thu hút các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên vào cuộc và lan tỏa sâu rộng đến các thôn, buôn và từng người dân. Các vụ việc vi phạm quy chế biên giới giảm dần, tính chất vụ việc cũng ít phức tạp hơn. Kết quả thực hiện phong trào đã góp phần quan trọng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền Biên phòng toàn dân và thế trận Biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới” - Thượng tá Thấm cho biết.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO