Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Chung sức đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng cao, biên giới

Biên phòng - Hiện nay, tình trạng "tảo hôn" trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An vẫn diễn ra rất phức tạp, để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho chính nạn nhân, gia đình và xã hội. Trước thực tế tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và BĐBP đang nỗ lực đưa ra giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi "vấn nạn" tảo hôn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn toàn tỉnh còn 938 cặp tảo hôn, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... Một điều đáng lo ngại khác, độ tuổi tảo hôn ngày càng thấp, có những cặp tảo hôn khi mới 12-13 tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nạn tảo hôn diễn ra phức tạp trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương làm rẫy, nhiều gia đình có quan niệm cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm người lao động và nó vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận người dân.

Có ý kiến cho rằng những biến tướng của tục "bắt vợ" trong ở đồng bào dân tộc Mông cũng khiến cho nạn tảo hôn tăng cao. Cùng với đó cũng phải kể đến sự tác động từ mặt trái của quá trình bùng nổ Internet ở vùng cao. Nhiều bạn trẻ tiếp cận với thông tin độc hại trong khi nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến nhận thức lệch lạc về tình yêu, hôn nhân gia đình… Trong khi đó, phụ huynh, người lớn cũng chưa có thái độ quyết liệt khi con cưới vợ, gả chồng khi chưa đến tuổi pháp luật qui định.

Tảo hôn đã để lại nhiều hệ lụy đối với chính người trong cuộc, gia đình và các địa phương vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An - địa bàn vốn đã gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy vì tảo hôn, nhiều em đang trong tuổi đến trường phải bỏ học giữa chừng, dang dở tương lai phía trước. Thậm chí có nhiều trường hợp vì bế tắc, nghĩ quẩn sau khi cưới vợ, gả chồng mà các em đã tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình.

Theo Bác sĩ Lỳ Bá Rùa, công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: "Việc các em lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi trưởng thành gây ra rất nhiều hệ lụy lớn. Đối tượng phải gánh chịu đầu tiên là các em phải dang dở chuyện học hành, làm bố, mẹ khi chưa hoàn thiện cả về thể chất và nhận thức. Về góc độ khoa học, tảo hôn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi của đồng bào các dân tộc".

Trước thực trạng tảo hôn diễn ra phức tạp, thời gian qua, chính quyền địa phương các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An đã huy động nguồn lực triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân luôn được quan tâm. Các địa phương đã phát huy cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng chủ trương pháp luật của nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã áp dụng xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp tảo hôn, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều trở ngại như nhận thức hạn chế, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các đồn Biên phòng trên tuyến của BĐBP Nghệ An cũng chung sức quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn khỏi địa bàn. Trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân biên giới, các đồn Biên phòng chú trọng phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình; những hệ lụy của nạn tảo hôn… Những nội dung này cũng được các đơn vị phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho đối tượng là học sinh. Cùng với đó BĐBP còn hỗ trợ nhân dân đặc biệt là đoàn viên người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn.

Nhờ sự nỗ lực vươn lên học tập, Bác sĩ Lỳ Bá Rùa đang có cuộc sống rất hạnh phúc. Ảnh: Viết Lam

Những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài, quyết tâm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Trao đổi với chúng tôi, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Cùng với việc áp dụng xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, chúng tôi cũng đề cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn. Đồng thời cũng có phương pháp xử lý cán bộ, đảng viên để con em, người thân kết hôn khi chưa đủ tuổi pháp luật qui định".

Ông Thò Bá Rê cũng chia sẻ thêm, hiện nay có nhiều bản làng của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn như bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy; bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ… những năm gần đầy không còn xảy ra tình trạng tảo hôn. Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ nơi có 127 hộ với 520 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước đây, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến.

Nhưng giờ đây tình hình đã hoàn toàn khác, ông Vừ Vả Chống, Bí thư chi bộ bản Trung Tâm khẳng định: "Đã nhiều năm nay bản chúng tôi không còn xảy ra nạn tảo hôn. Có được kết quả đó là nhờ sự đồng sức đồng lòng của bà con dân bản, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ chúng tôi đều giải thích để đảng viên nhận thức rõ những hệ lụy mà nạn tảo hôn gây ra. Từ đó đảng viên phải vận động gia đình, người thân kiên quyết không để con em cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật qui định. Khi cán bộ, đảng viên đồng lòng, tiên phong thực hiện thì đưa ra thực hiện trước toàn dân của bản. Chúng tôi đưa những biện pháp phòng, chống tảo hôn vào qui ước của bản, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt và kiểm điểm trước toàn dân. Ý thức của các gia đình vì thế dần được nâng lên, tảo hôn bị đẩy lùi."

Có thể thấy với sự quyết tâm, có biện pháp phù hợp, vấn nạn tảo hôn ở trong cộng đồng dân tộc thiểu sổ các địa phương vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.

Viết Lam

Bình luận

ZALO