Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 11:13 GMT+7

Chung một dòng sông

Biên phòng - Trong tổng số hơn 80km đường biên giới tiếp giáp giữa hai tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), thì có 19,6km đường biên giới trên sông thủy điện Sê San. Đây có thể nói là khu vực năng động bậc nhất trên đoạn biên giới tiếp giáp giữa hai tỉnh nhờ vào điều kiện tự nhiên, cư dân phát triển, trong đó, điểm nhấn chính là cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) - Ô Za Đao (Campuchia) cùng nhiều đường mòn dân sinh và lối mở “vắt qua” con sông thủy điện. Dù sông Sê San có lúc vơi lúc đầy, mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia vẫn luôn sáng trong như ngọc…

Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Ảnh: Thái Kim Nga

“Như hoa một cây, như con một nhà”

Với điều kiện tự nhiên và mối quan hệ thân tộc từ bao đời nay của cư dân hai bên biên giới đã tạo nên bức tranh sinh động trong tình đoàn kết thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia mà có thể ví “như hoa một cây, như con một nhà”. Điều này lý giải vì sao dưới chế độ cai trị của “tập đoàn” diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa Ri, nhiều gia đình bên đất bạn đã chạy sang lánh nạn và được cộng đồng người Việt Nam che chở, đùm bọc. Theo số liệu khảo sát của Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai, đến thời điểm hiện tại, có 44 người Việt Nam lấy chồng (vợ) là người Campuchia hiện đang sinh sống trên khu vực biên giới của nước bạn. Ở chiều ngược lại, bên nước bạn có 136 trường hợp kết hôn với người Việt Nam và đang cư trú trên khu vực biên giới của Việt Nam.

Có thể nói, tình đoàn kết thủy chung, gắn bó giữa cư dân hai bên biên giới luôn được các cấp, các ngành của Việt Nam và Cappuchia chăm lo vun đắp và nó thực sự đơm hoa kết trái khi lực lượng BĐBP triển khai thực hiện phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới. Với mô hình này, toàn tỉnh Gia Lai đã có 5 làng thuộc 4 xã biên giới của hai huyện Đức Cơ và Ia Grai tổ chức kết nghĩa với 5 làng thuộc 4 xã bên phía Campuchia, trong đó, có gần một nửa khu dân cư sinh sống dọc con sông Sê San.

Việc tổ chức kết nghĩa và có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực đã giúp cho hàng chục ngàn hộ gia đình sinh sống hai bên biên giới có nhiều thuận lợi trong việc qua lại thăm thân, giao lưu học hỏi trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và đặc biệt là chung sức đồng lòng trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới ngày càng giàu đẹp. Qua hoạt động kết nghĩa đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho cán bộ và nhân dân ở các thôn, làng về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao giữa chính quyền và nhân dân luôn được quan tâm chăm lo, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự tin cậy, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa chính quyền, nhân dân và các lực lượng chức năng hai bên biên giới.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện phong trào kết nghĩa, mối quan hệ giữa cư dân hai bên biên giới càng trở nên gắn kết hơn. Bà con đã tự giác chấp hành các hiệp định, hiệp ước biên giới quốc gia, cũng như những quy chế trong bản ghi nhớ của thôn, làng hai bên đã ký kết, tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống... Biên giới giờ đây đã chung một mái nhà, chung một dòng sông để tình người luôn được nở rộ trong vườn hoa của tình đoàn kết.

“Tình đồng đội” không biên giới

Nếu các khu dân cư dọc hai bên biên giới trên dòng Sê San được ví “như hoa một cây, như con một nhà”, thì mối quan hệ giữa những người lính Biên phòng Việt Nam với các đồng nghiệp từ bên kia biên giới được tạo dựng, bồi lắng trong tình đồng đội. Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai đã tập trung chỉ đạo các đồn Biên phòng thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo về tình hình đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động vi phạm pháp luật và những mầm mống phá hoại tình đoàn kết, gây mất ổn định an ninh biên giới.

Đại diện làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai (Gia Lai) trao quà cho lực lượng vũ trang và nhân dân cụm dân cư kết nghĩa làng Phí, xã Sê San, huyện Ô Za Đao, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thái Kim Nga

Với phương châm “làm việc theo nguyên tắc, ứng xử bằng tấm lòng”, bên cạnh hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới, các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, biên soạn giáo án, phân công cán bộ giảng dạy, tổ chức các lớp học tiếng Campuchia. Các đồng nghiệp từ bên kia biên giới cũng không ngừng trao dồi kiến thức, ngôn ngữ trong giao tiếp bằng việc mời BĐBP “đứng lớp”, bổ trợ thêm tiếng Việt, để không chỉ phục vụ trong công việc, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi “tối lửa tắt đèn”. Điều này được thể hiện đậm nét khi đối diện với những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống như phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và đặc biệt là cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 căng thẳng và quyết liệt như hiện nay.

Bằng tình cảm sáng trong của mình, các đơn vị BĐBP Gia Lai đã không ít lần bất chấp hiểm nguy, triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai tàn phá bên đất bạn, trong đó, điển hình là cuộc “chạy đua với lũ” tổ chức cứu nạn tại Đồn Cảnh sát Biên phòng 703 và chốt 43, BĐBP Campuchia, đưa 19 người về tránh lũ trên đất Việt Nam và hỗ trợ lương thực, thực phẩm, y tế cho đến khi nước rút.

Hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai và các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch tổ chức qua lại thăm hỏi, gặp gỡ hội đàm, trao đổi tình hình với các đồng nghiệp từ bên kia biên giới. Cùng với đó là những món quà của lòng nhân ái như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tổ chức cấp thuốc, khám chữa bệnh miễn phí với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Đặc biệt, từ tháng 4-2016 đến nay, với truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, BĐBP Gia Lai đã giúp đỡ, hỗ trợ 3 cháu học sinh Campuchia trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” với số tiền 500.000 đồng/cháu/ tháng, xây dựng 6 nhà đoàn kết - hữu nghị tặng 6 hộ gia đình bên đất bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 270 triệu đồng. Trên lĩnh vực phòng, chống đại dịch Covid-19, từ hơn 2 năm qua, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật tư y tế đã được những người lính Biên phòng Gia Lai tặng chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân phía đối diện, qua đó, phần nào giúp bạn khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Có thể nói, tình cảm của những người lính Biên phòng Gia Lai dành cho các đồng nghiệp từ bên kia biên giới được khởi nguồn và lắng đọng từ tấm lòng của những người đồng chí, đồng đội dành cho nhau. Đó là ngọn lửa bất tử hun đúc tình đoàn kết hữu nghị, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO