Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 01:29 GMT+7

Chúng con luôn bên mẹ

Biên phòng - Chiến tranh đã cướp đi chồng và các con của mẹ. Mất mát ấy nay được bù đắp phần nào khi mẹ được sống trong tình thương vô bờ bến của những đứa con dù mình không sinh ra. Với việc nhận phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời, BĐBP Đà Nẵng không chỉ góp phần tri ân những người đã khuất, mà còn mang lại món quà tinh thần vô giá cho người còn sống những năm tháng cuối cuộc đời…

vqc3_11a
 Mẹ Mai Thị Sây với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước trong ngày Đại hội thi đua Quyết thắng của đơn vị. Ảnh: Trúc hà

Thật khó có thể tin là mẹ Mai Thị Sây (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) năm nay đã 90 tuổi, bởi mẹ vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn hơn các mẹ cùng lứa tuổi. Đại hội thi đua Quyết thắng của Đồn Biên phòng Non Nước, mẹ đến dự, ngồi hàng ghế đầu, được giới thiệu trang trọng. Tuổi cao, sức khỏe không tốt, nhưng mẹ vẫn cố gắng ngồi thật lâu để nghe thành tích của đơn vị trong năm qua. Giờ giải lao, cán bộ, chiến sĩ ngồi vây quanh mẹ dưới tán cây lộc vừng đương ra hoa. Tiếng cười, tiếng nói ríu rít, râm ran cả khoảng sân đồn.

Thượng tá Hồ Bách Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Non Nước nói như khoe: “Mẹ Sây hát rất hay. Mẹ có chồng là dân công Điện Biên Phủ nên những bài hát là để tiếp sức cho chồng”. Trước sự háo hức của những người lính trẻ, mẹ Sây đã hát bài hát ngày mẹ tiễn chồng lên đường ra Bắc: “Anh ơi, việc nhà đã có em lo, anh nhớ những gì đoàn thể đã dặn dò. Đường xa, gánh nặng... Anh ơi, anh đi giữ gìn sức khỏe, lập chiến công rồi về...”.

Nhà mẹ Sây nằm trong con phố nhỏ, tĩnh lặng. Trên tường, mẹ treo Bảng vàng gia đình vẻ vang (của Hội đồng Bộ trưởng trao tặng), Bảng gia đình kháng chiến (do Ủy ban Cách mạng khu Trung Nam bộ ký tặng), Huy chương Giải phóng (của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng), Giấy chứng nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng... là minh chứng ghi nhận công lao của mẹ và gia đình trong những năm kháng chiến. Đây là những thứ đã giúp mẹ vượt qua nỗi đau khi chồng và con hi sinh để tiếp tục tiễn những người con khác ra chiến trường. Bởi vậy, những năm chiến tranh khó khăn, loạn lạc, mẹ vẫn giữ gìn cẩn thận để nay con cháu biết về truyền thống gia đình.

Mẹ Nguyễn Thị Thung (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) thì “thương bộ đội Đồn Biên phòng Hải Vân nhiều lắm”, bởi đa số các con nhà xa tận miền Bắc. Mẹ bảo, nếu còn khỏe, mẹ phải ra nhà các con chơi một lần. Nhìn các con, nghe giọng nói mẹ lại nhớ đến ngày chồng và con mẹ đi chiến đấu. Những lần chồng, con mẹ tranh thủ về nhà kể chuyện đơn vị, đồng đội đều nhắc đến những người lính giải phóng quê Bắc. Khi ấy, ngày là của giặc, đêm là của cách mạng, thế nên mẹ chỉ nhớ những người lính qua giọng nói. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng mẹ vẫn lo đủ gạo để các anh không đói trong những ngày nằm vùng.

Biết được điều ấy, kể từ ngày nhận phụng dưỡng mẹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải Vân, Trung tá Nguyễn Ngọc Anh (quê Phú Thọ) thường xuyên đến thăm mẹ. Mẹ có tiêu chuẩn khám chữa bệnh ở Bệnh viện Thanh Khê, nhưng khi mẹ mệt, quân y đơn vị lại đến khám. Trước tấm lòng của những người con Biên phòng, mẹ Thung lại thấy bệnh đỡ đi mấy phần. Nay mẹ chuyển về sống ở quận Cẩm Lệ, xa Đồn Biên phòng Hải Vân hơn, mỗi lần cán bộ, chiến sĩ đến thăm, gửi tiền phụng dưỡng, mẹ cứ nắm chặt tay, không muốn các anh về.

7sqr_11b
Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải Vân Nguyễn Ngọc Anh thăm hỏi mẹ Nguyễn Thị Thung. Ảnh: Trúc Hà

Không chỉ các đồn Biên phòng tổ chức nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, khối cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng cũng nhận phần được tri ân. Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng nhận phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Lê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) từ năm 2014. Gia đình mẹ Lê rất khá giả, bởi các con đều thành đạt. Thế nhưng, những món quà, những tấm áo mà những người lính Biên phòng tặng, mẹ luôn gìn giữ cẩn thận, có dịp lại mang ra mặc.

Mẹ bảo: Chồng, con trai đã hi sinh, nay có thêm những người con là BĐBP khiến mẹ nguôi ngoai nỗi mất mát của mình. Năm nay, mẹ vui lắm, vì Đại tá Lê Văn Phúc được cấp trên tín nhiệm, điều động ra Bộ Tư lệnh làm Cục trưởng Cục Cửa khẩu. Mẹ cũng biết, năm 2017, BĐBP Đà Nẵng có nhiều chiến công, bắt được nhiều tội phạm buôn lậu, mua bán ma túy, được UBND thành phố nhiều lần đến chúc mừng. Mẹ cũng lo vì thấy công việc các con nguy hiểm quá, nhưng Chỉ huy trưởng hiện thời, Đại tá Tôn Quốc Khánh nói: “Mẹ đừng lo lắng. Chúng con có vượt qua được khó khăn, thử thách mới thấy tự hào được những gì đã làm”!

Từ năm 2014, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã nhận phụng dưỡng 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố. Vào các ngày lễ, Tết, các đơn vị tổ chức thăm hỏi, quân y đơn vị thường xuyên khám, chăm sóc sức khỏe cho các mẹ lúc ốm đau. Mỗi đơn vị phụng dưỡng mẹ 1 triệu đồng/tháng. Nhiều đơn vị cũng tổ chức sửa chữa nhà khi gia đình các mẹ yêu cầu.

Năm nay, mẹ Nguyễn Thị Dũng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đã đi xa. Ngày lo hậu sự của mẹ, những người lính Đồn Biên phòng Sơn Trà luôn túc trực. Ông Nguyễn Văn Năm, con trai, cũng là người trực tiếp chăm sóc mẹ bảo rằng, từ ngày Đồn Biên phòng Sơn Trà nhận phụng dưỡng mẹ, ngày giỗ chạp, lễ Tết, nhà cửa thêm đông vui, việc của gia đình các anh cũng giúp.

Vợ chồng ông Năm có 2 người con trai thì đều đi học xa nhà, có bao nhiêu tiền của cũng chắt chiu cho con ăn học nên mãi đến năm 2015, mới để dư được tiền sửa nhà. Nhưng số tiền ấy cũng không đủ nếu phải thuê thêm thợ. Biết được điều ấy, Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Sơn Trà đã xung phong nhận nhiệm vụ.

Bí thư Chi đoàn, Trung úy Phạm Hùng kêu gọi thêm các đoàn viên của đơn vị kết nghĩa đến giúp. Toàn bộ gỗ lạt, đồ mộc của ông Năm được chuyển ra phía sau. Sân được lát gạch, cổng xây mới to đẹp hơn, tường nhà sơn sửa lại như mới. Ông Năm bảo: “Mẹ tôi lúc trẻ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho cách mạng, cho chồng con, nhận kham khổ về mình. Thương mẹ nhưng cũng chỉ biết để trong lòng. Cũng may là mẹ tôi cũng được ở trong căn nhà khang trang vào những ngày cuối đời, nhất là căn nhà ấy đầy tình thân, đoàn kết của các con mẹ”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO