Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 09:22 GMT+7

Chùm chuyện vui về Tết của người chiến sỹ

Biên phòng - Cuối năm 1997, tôi được cấp trên cử đi công tác Tây Nguyên, nắm tình hình về bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại đây. Đến Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk, các anh ở cơ quan Chính trị niềm nở: “May quá, anh đi Đồn Biên phòng Đá Bằng nhé, đơn vị đó nằm giữa rừng sâu, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, có rất nhiều chuyện về Tết của bộ đội đấy!”…

xm9s_18
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Hoàng

Thiếu tá Thái Công Thanh, chàng trai của quê hương xứ Nghệ hay thơ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đá Bằng, vui vẻ đón tôi và kể chuyện thâu đêm về thú rừng ở Tây Nguyên. Hôm nay xin được kể ra đây vài mẩu chuyện, ngõ hầu giúp mọi người đón Xuân vui Tết thêm phần ấm cúng.

Khỉ đầu đàn cướp bóng của bộ đội

Đóng quân ở giữa rừng, nên mỗi lần cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đá Bằng chơi bóng chuyền, là bầy khỉ ở đâu lại kéo về rặng cây xanh sát sân bóng, kêu chí chóe, mắt mở thao láo xem các chiến sĩ hò reo.

Gần Tết năm 1995, chỉ huy Đồn Biên phòng Đá Bằng tổ chức thi đấu bóng chuyền giữa các đội công tác với nhau. Hôm đó, đến trận chung kết giữa chỉ huy đồn với Đội vũ trang của đơn vị. Cả đồn còn đúng một quả bóng chuyền. Đường về thành phố Buôn Ma Thuột xa hơn 100km, phương tiện đi lại không có, anh em không thể về mua thêm bóng, nên đành mang quả bóng cuối cùng ra chơi.

Cuộc đấu đang vào hồi căng thẳng, bộ đội reo ầm cả một cánh rừng, cổ vũ cho hai bên. Bầy khỉ từ đâu cũng chuyền cành ra hàng cây sát sân bóng, kêu chí chóe. Bỗng, tiếng kêu của bầy khỉ chợt im bặt. Trên tán cây vừa xuất hiện con khỉ đầu đàn to lớn. Nó oai vệ chuyền cành ra sát sân bóng trong ánh mắt của bầy khỉ sợ hãi, nem nép, đôi mắt nó đỏ ngầu nhìn bộ đội đang reo hò, cổ vũ. Đúng lúc đó, Đồn trưởng Thái Công Thanh nhảy lên đập bóng sang sân Đội vũ trang. Một chiến sĩ bên Đội vũ trang đỡ bóng, quả bóng bay vút lên ngay trước mặt con khỉ đầu đàn. Nó kêu chóe lên một tiếng thật to, vươn tay chộp lấy quả bóng chuyển, chạy mất hút vào rặng cây sau đồn Biên phòng.

Cán bộ, chiến sĩ của đồn Biên phòng chưng hửng, đứng lặng, ngỡ ngàng, rồi sau đó tất cả vỗ tay vang dội, hoan hô chú khỉ đầu đàn to gan, dám cướp cả bóng của bộ đội!

“Ông ba mươi” cõng trộm bò

Đêm 30 Tết năm 1996, cả đồn Biên phòng đang chuẩn bị đón Giao thừa thì bỗng đâu vang lên tiếng ầm ầm, lộc cộc, rồi tiếng bò rống lên. Đàn bò của đơn vị gần 40 con phá tung cánh cổng, hoảng hốt, chạy thục mạng vào nhà hội trường của đơn vị. Với kinh nghiệm nhiều năm ăn Tết ở đồn Biên phòng, Thiếu tá Thái Công Thanh hiểu ngay là cọp dữ đã mò vào trại bò của đơn vị, nên mới làm đàn bò sợ hãi đến thế. Lập tức, anh chỉ huy một tổ 3 chiến sĩ, cắp AK, mang theo lựu đạn, đèn pin, ra kiểm tra trại bò.

Khi Đồn trưởng và các chiến sĩ ra đến trại bò ngay gần cổng đơn vị thì phát hiện có dấu máu còn mới, kéo dài đến tận bờ suối cách đồn Biên phòng vài trăm mét. Khả năng, “ông ba mươi” đã nhảy qua rào, vồ được một chú bê con, cõng chạy ra bờ suối. Lần theo vết máu, đến gần bờ con suối cạn, các chiến sĩ phát hiện con bê mất một phần thân thể bị bỏ lại. Chắc “ông ba mươi” thấy có ánh đèn pin của bộ đội đuổi theo, nên nó đã bỏ lại con mồi đang ăn dở, lẩn trốn quanh đây.

Ba mươi Tết tuần tra biên giới gặp voi dữ

Trưa 30 Tết năm 1995, nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk về tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ biên giới trong dịp Tết Nguyên đán, Đồn trưởng Thái Công Thanh cử Thượng úy Trần Văn Minh, Phó Đồn trưởng Quân sự, quê ở Thái Bình, dẫn 3 chiến sỹ đi làm nhiệm vụ.

Trên đường đi làm nhiệm vụ, chiều hôm ấy, Minh và các chiến sỹ của mình xuống con suối chạy sát biên giới Việt Nam - Campuchia lấy nước uống. Vừa lấy nước xong, đang quay lên, thì Minh và các chiến sỹ sững người, toàn thân nổi gai, lạnh toát khi thấy một đàn voi rừng 5 con đang lừng lững đi xuống suối uống nước. Con voi đầu đàn to nhất chỉ cách Minh hơn chục mét. Không kịp chạy, hai bên đối mặt nhìn nhau. Một ý nghĩ táo bạo trong đầu Minh lóe lên: Phải thu hút sự chú ý của con voi đầu đàn về phía mình để cứu đồng đội. Trần Văn Minh nói nhỏ với 3 chiến sĩ: Tớ sẽ nhử con voi đầu đàn về phía mình, các cậu men theo suối chạy nhanh về đồn.

Anh vừa dứt lời thì con voi đầu đàn tung vòi, cuốn ngang lưng người Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Đá Bằng, ném văng ra xa. Chớp thời cơ, 3 chiến sĩ của đồn phóng như bay về phía đơn vị. Biết chuyện, chỉ huy đồn cử ngay một tổ trong đêm đi tìm Thượng úy Trần Văn Minh. Các chiến sĩ lục tìm từng bụi cây, mô đá hai bên bờ con suối gần biên giới, nhưng vẫn không thấy người chỉ huy dũng cảm của đơn vị. Quần nát những khu rừng xung quanh, Thượng úy Trần Văn Minh vẫn biệt vô âm tín.

Không nản chí, những ngày sau đó, cán bộ, chiến sĩ quên cả ăn Tết, tiếp tục đi tìm Thượng úy Trần Văn Minh. Hai ngày sau, các chiến sĩ nghe tiếng kêu rên vọng ra từ một khe đá bên bờ suối, mọi người chạy lại, phát hiện Trần Văn Minh đang nằm kẹt giữa hai vách đá. Chắc mấy ngày vừa rồi, Minh bị ngất lịm, hôm nay tỉnh lại, anh kêu rên, nên bộ đội mới tìm thấy.

Các chiến sĩ khẩn trương đưa anh xuống thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Một thời gian sau, Trần Văn Minh được cấp trên giải quyết chính sách với chế độ thương binh.

A. Hoa

Bình luận

ZALO