Biên phòng - Thực tế trên Biển Đông, dù các nước trong khu vực và ngoài khu vực thường xuyên và bền bỉ hiện đại hóa quân sự toàn diện, song vẫn tương quan lực lượng. Tuy nhiên, giải pháp hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết bất đồng, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật quốc tế.

Hiện đại hóa sức mạnh quân sự
Trong vấn đề Biển Đông, giới chuyên gia an ninh chỉ ra rằng, có 3 nhóm vấn đề chủ chốt bao trùm các góc độ an ninh về quân sự và thương mại dân sự.
Trước hết là các đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ chồng lấn. Tiếp đó là các quyền cơ bản trên biển, trong đó, các nước liên quan đều đưa ra các căn cứ khác nhau và cũng tìm cách áp dụng luật quốc tế như cách hiểu của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS). Cuối cùng là tự do hàng hải gồm việc kiểm soát các tuyến giao thông trên biển (SLOCs) và các hoạt động được phép tiến hành bên trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Đánh giá tổng quan về vấn đề an ninh trên biển, giới chuyên gia an ninh quốc tế nhìn nhận, xu hướng hiện nay được hầu hết các quốc gia áp dụng là dùng sức mạnh cứng một cách mềm dẻo và gián tiếp. Vận tải thông qua Biển Đông chiếm tới gần 2/3 sản lượng vận tải thương mại trên thế giới bằng đường biển nên vấn đề Biển Đông luôn là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trong khu vực và các cường quốc thế giới.
Trên thực tế về sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, cả những nước thành viên ASEAN và các cường quốc thế giới cùng hiện đại hóa quốc phòng và các thỏa thuận quốc phòng với nhau.
Chính vì vậy, các nước châu Á được đánh giá là trong nhóm đầu thế giới về hiện đại hóa quân sự, điều này thể hiện rõ nét trong việc mua tàu ngầm. Theo phân tích của giới chuyên gia quân sự, tàu ngầm là loại khí tài luôn tạo ra cảm giác lo lắng cho đối phương, bất kể là loại tàu ngầm công nghệ cũ hay hiện đại.
Sự hiện đại hóa quân sự tại châu Á cũng tập trung vào các lĩnh vực gồm không quân, hải quân và không gian vũ trụ. Ngoài ra, sự hiện diện của Mỹ còn được biết tới với mạng lưới chiến tranh công nghệ cao, nhất là trong không gian.
Mặc dù vậy, song hành với việc thường xuyên và bền bỉ nâng cao năng lực quân sự, ngay cả những cường quốc quân sự cũng đặc biệt ưu tiên cách thức “xoa dịu” căng thẳng an ninh bằng giải pháp hòa bình, tăng thiện chí, tăng cường lòng tin và uy tín quốc tế.
Theo giới chuyên gia quân sự, thực tế tại Biển Đông đang có sự tương quan về lực lượng quân sự giữa các nhóm thế lực, điều này là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy các giải pháp hòa bình, đặc biệt là chiều hướng thượng tôn pháp luật quốc tế.
“Kim chỉ nam” cho hòa bình
Lập trường của hầu hết quốc gia liên quan tới vấn đề Biển Đông liên tục nhấn mạnh rằng, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế tạo ra cơ sở bền vững cho hợp tác, thúc đẩy các hành động hợp pháp, giúp đạt được kỳ vọng của các quốc gia dựa trên chuẩn mực quốc tế và phải giải quyết bất đồng bằng giải pháp hòa bình.
Mặt khác, cơ chế đa phương quốc tế được xem là một “bó đũa” mà nếu tách riêng ra thì rất dễ “bẻ gãy”, điều này càng thúc đẩy cho sự đoàn kết, đồng thuận cao và hợp tác chặt chẽ vì các lợi ích chung.
Hiện nay, UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế thiết lập trật tự pháp lý trên biển và đại dương. Công ước có tầm quan trọng mang tính toàn diện, chiến lược cũng như tính thống nhất, toàn vẹn.
Tại Biển Đông, UNCLOS là nền tảng quan trọng để kìm hãm và thu hẹp những yêu sách quá đáng, đảm bảo sự công bằng, văn minh và hài hòa lợi ích của từng nước nói riêng cũng như quốc tế nói chung. Chính vì vậy, UNCLOS rất cần được tiếp tục duy trì.
Dựa trên Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đang được duy trì từ năm 2002 đến nay, các quốc gia trong khu vực đang gấp rút tiến tới các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để thay thế DOC 2002.
Đánh giá về cơ chế mới này, giới chuyên gia ngoại giao quốc tế nhiều lần khẳng định, điều quan trọng nhất là phải đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Trong đó, COC phải nhấn mạnh tính ràng buộc pháp lý, các nước ký kết phải chịu ràng buộc toàn bộ bởi COC mà không có quyền bảo lưu.
Theo giới chuyên gia quốc tế, việc xây dựng các quy tắc đồng thuận cho khu vực Biển Đông là việc không đơn giản, nhưng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS luôn là chuẩn mực mang tới lợi ích tối ưu nhất và cũng là nền tảng cho chiến lược biển dài hạn của các nước liên quan, nhất là các cường quốc hiện diện tại khu vực.
Thanh Trúc