Biên phòng - Ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định 37) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, quy định về những điều đảng viên không được làm. Nội dung Quy định 37 đã kế thừa và phát triển các quy định từ các nhiệm kỳ trước, là chuẩn mực cơ bản để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện.
Trên cơ sở kế thừa nội dung cơ bản của các quy định trước đó, Quy định 37 đã sửa đổi, bổ sung một số điểm thiết yếu để phù hợp hơn với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nội dung sửa đổi, bổ sung là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và các nội dung được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là các kết luận gần đây của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nếu so sánh giữa Quy định số 47-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định 47) ngày 1-11-2011 với Quy định 37 và tình hình thực tế hiện nay thì những nội dung mà Trung ương bổ sung, điều chỉnh là rất cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.
Nhìn nhận một cách tổng quan, ta thấy rằng, Quy định 37 giữ nguyên 19 điều như Quy định 47 và nhất quán trước sau về quan điểm đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiền phong gương mẫu, tận tụy vì nhân dân và phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cán bộ, đảng viên. Quy định mới đã kế thừa cơ bản những nội dung phù hợp, sát yêu cầu thực tế của các quy định trước đó, bổ sung những nội dung phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
So với Quy định 47 năm 2011, Quy định 37 năm 2021 bổ sung mới 2 điều. Trước hết là Điều 3, Đảng ta đã quy định rõ những điều đảng viên không được làm, đó là: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh...”. Cũng ở Điều 3, Đảng ta chỉ rõ đảng viên không được làm: “...chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Đây là tầm nhìn chiến lược của Đảng để ngăn chặn sớm những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ, đảng viên, phai nhạt lý tưởng, xem thường Chủ nghĩa Mác - Lênin. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi Chủ nghĩa Mác - Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”. Người coi Chủ nghĩa Mác - Lênin là “cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Quy định 37 đã nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điểm mới thứ 2, đó là Điều 13. Tại điều này, Đảng ta quy định, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.
Việc bổ sung thêm Điều 13 là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại. Trên thực tế, trong quá trình công tác, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, có nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ quan trọng, vai trò chủ chốt đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh mất bản lĩnh chính trị, sa vào lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp vi phạm hay bao che, tiếp tay cho những vi phạm của bạn bè, người thân, cấp dưới...
Ngoài 2 điều trên, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để bổ sung nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt, những nội dung nêu ở Điều 7 của Quy định 47 nay chuyển lên Điều 2 và bổ sung thêm một số vấn đề mới ở cả Điều 2 và Điều 7. Tương tự, Điều 6, Điều 9, Điều 11 cũng bổ sung nhiều nội dung mới, quan trọng, chặt chẽ, sát thực tế trên các lĩnh vực công tác.
Quy định 37 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là “khung tiêu chuẩn” để cán bộ lãnh đạo, đảng viên tự soi, tự sửa, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Quy định 37 còn là căn cứ để kiên quyết đấu tranh, ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đây là cơ sở, chuẩn mực cơ bản cho đảng viên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành đường lối, quan điểm, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.
Có thể thấy, 19 điều đảng viên không được làm trong Quy định 37 không chỉ là “cẩm nang” mà còn là “vaccine” đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong giai đoạn mới của cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức cao hơn, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống để không bị “nhiễm bệnh”.
Để đạt được điều này, đòi hỏi cán bộ chủ trì các cấp, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, chỉ đạo sát sao và giữ đúng nguyên tắc. Coi trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tự phê bình, phê bình trong tổ chức Đảng và đảng viên.
Đồng thời, kết hợp “phòng ngừa” đi đôi với “xử lý”, khi phát hiện đảng viên vi phạm phải giáo dục, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý. Đã xử lý thì phải xử lý nghiêm, triệt để theo đúng tinh thần “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mai Viết Nhân