Biên phòng - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 13 (tên quốc tế là Vamco) có hoàn lưu rộng, cường độ mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi chuyển không ổn định, quét dọc bờ biển, rạng sáng ngày 15-11 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió cấp 9-10, giật cấp 12. Khi vào bờ, bão có khả năng gây thiệt hại lớn ở các khu vực đã bị tổn thương liên tiếp do các đợt thiên tai vừa qua. Để ứng phó với bão số 13, các đơn vị BĐBP đã sẵn sàng lực lượng và phương tiện để kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Là một trong những lực lượng sát cánh cùng với nhân dân ứng phó với thiên tai, để giảm thiểu thiệt hại do bão số 13 gây ra, Bộ Tư lệnh BĐBP đã sớm chỉ đạo các đơn vị BĐBP đóng quân từ Quảng Ninh đến Bình Thuận nắm chắc diễn biến của bão; chủ động thông báo, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức bắn pháo hiệu tại các điểm theo quy định của Chính phủ.
Theo thông tin từ Phòng Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP, các đơn vị BĐBP đã duy trì ứng trực 3.807 cán bộ/231 phương tiện (27 tàu; 69 ca nô, xuồng; 135 ô tô); phối hợp với các lực lượng sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an ninh trật tự; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra. BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.062 người biết diễn biến của bão số 13 để di chuyển vòng tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Do hướng di chuyển của bão số 13 không ổn định, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng đã chuẩn bị phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã có phương án sơ tán 161.000 hộ dân, trong đó, đặc biệt ưu tiên sơ tán tại 93 điểm khảo sát có nguy cơ sạt lở, với trên 10.000 hộ. Ngoài ra, khu vực ven lưu vực các sông Vu Gia, Thu Bồn cũng được lên kịch bản với đỉnh lũ trên mức báo động 3 khoảng 1m. Lúc này, hơn 45.000 hộ dân sẽ được sơ tán.
Tại tỉnh Quảng Bình, trong ngày 13-11, các lực lượng vũ trang tiếp tục giúp dân chằng chống nhà cửa và sơ tán người dân ở khu vực trũng thấp, được coi là “rốn lũ” như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh đến nơi an toàn. Để giúp nhân dân ứng phó với bão số 13, BĐBP Quảng Bình đã duy trì nghiêm kíp trực, thường trực 150 cán bộ, chiến sĩ/8 phương tiện, sẵn sàng tham gia ứng phó với bão và tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho nhân dân trên địa bàn biết để chủ động ứng phó với bão số 13; chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển thông báo, vận động ngư dân không ra khơi đánh bắt, chủ động chằng chống, neo đậu tàu thuyền an toàn tại các bến. Tính đến 5 giờ, ngày 12-11, 6.564 phương tiện neo đậu an toàn tại bến.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kịch bản ứng phó với lượng mưa do hoàn lưu sau bão là 200-300 mm, chú trọng việc vận hành các hồ chứa: Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sơ tán hơn 19.000 hộ trước 10 giờ ngày 14-11. Để không bị động trước bão số 13, các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với địa phương, chủ tàu hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền trong khu neo đậu đảm bảo an toàn; triển khai chằng chống nhà cửa, gia cố doanh trại, kho tàng đơn vị từ khi bão vào biển Đông. BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời các hộ vùng thấp trũng, ngập lụt lâu ngày, nhà cấp 4 đến vị trí an toàn; triển khai bắn pháo hiệu báo bão theo quy định của Chính phủ. 2.062 phương tiện/11.350 lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào neo đậu tại bờ và không có phương tiện của địa phương hoạt động trên biển.
Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế duy trì thường trực 720 cán bộ, chiến sĩ/46 phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 13 và rà soát khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên tuyến biên giới để kịp thời phát hiện các sự cố, dấu hiệu bất thường có nguy cơ sạt lở, lũ quét để gia cố hoặc sơ tán, di dời để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn. Mặt khác, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, lũ lớn. Các đơn vị tuyến núi sẽ rà soát lại các hệ thống doanh trại, đặc biệt là các điểm xung yếu dễ sạt lở để đảm bảo có phương án rút quân lên các vị trí an toàn. Đối với các vùng dễ bị ngập lụt cô lập, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ các phương án sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. BĐBP Hà Tĩnh duy trì 100% quân số, chuẩn bị tốt về mọi mặt từ lương thực, thực phẩm đến các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thực hiện cấm biển từ 17 giờ ngày 13-11.
Tại thành phố Đà Nẵng, để ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất và bão số 13, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị thông báo ngay các phương tiện còn hoạt động trên biển nắm thông tin bão, cấm biển để chủ động phòng tránh. BĐBP thành phố Đà Nẵng tổ chức lực lượng xuống địa bàn giúp các trường học, nhà dân chằng chống nhà cửa, đưa thuyền thúng lên bờ; kiểm tra các lồng bè, tàu thuyền đang neo đậu, chằng buộc chặt. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lực lượng cơ động ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn gồm 144 cán bộ, chiến sĩ/16 phương tiện.
Thùy Trang