Biên phòng - Tiếp sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tháng 6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việc ký các hiệp định này mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, mở rộng xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy ngành tự đổi mới. Bên cạnh thuận lợi, các hiệp định này cũng tạo ra nhiều thách thức đòi hỏi các địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ càng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp có nhiều nỗi lo trước cánh cửa hội nhập kinh tế, nhưng lo nhất là sản xuất manh mún và phân tán. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do còn có yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... Do đó, các địa phương phải tập trung chuẩn bị kỹ càng các điều kiện để có thể vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của các hiệp định thương mại tự do.
Xây dựng các chuỗi giá trị
Ông Phạm Ét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thị trường xuất khẩu của Lâm Đồng đã mở rộng hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có cả thị trường khó tính như khu vực Đông Á, châu Âu với các mặt hàng nông nghiệp đặc trưng như cà phê, rau, hoa ly”.
Chuẩn bị tâm thế thực hiện các hiệp định thương mại tự do, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 5 kế hoạch và 3 chương trình hành động về hội nhập quốc tế. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về hội nhập quốc tế, tổ chức thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do và chương trình hợp tác kinh tế, kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành doanh nghiệp, kỹ năng về công nghệ mới và kỹ năng quản lý về công nghệ thông tin, ứng dụng thưong mại điện tử...
Ông Ét cho biết thêm, để nâng cao năng lực hội nhập và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, chú trọng thâm canh cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 120 chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp. Sản phẩm trồng trọt qua chuỗi đạt gần 290.000 tấn (chiếm khoảng 9% sản lượng nông sản hàng năm) và 55 triệu cành hoa (chiếm 1,7%). Sản phẩm chăn nuôi qua chuỗi khoảng gần 180.000 tấn (chiếm 76%). Trong số đó, có 68% chuỗi liên kết được xác nhận chuỗi an toàn từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn. Đến nay, Lâm Đồng đã có 21 nhãn hiệu đăng ký sở hữu.
Trong khi đó, để khai thác có hiệu quả hiệp định thương mại tự do, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ động tổ chức lại sản xuất gắn chuỗi sản xuất với tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu nông sản gắn với truy suất nguồn gốc trên cây ăn trái và cá tra. Đồng Tháp cũng đã triển khai thành lập Tổ thông tin và phân tích thị trường nông sản nhằm hình thành cơ sở dữ liệu thị trường trong nước và trên thế giới, các hàng rào kỹ thuật thương mại của các nước nhập khẩu... để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.
Phát triển sản xuất theo chuẩn VietGAP
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hai hiệp định CPTPP và EVFTA cùng với việc mang lại cơ hội sẽ tạo nhiều thách thức cho nông nghiệp của địa phương này. Cụ thể, một số ngành đang là thế mạnh của Bắc Giang phải cạnh tranh rất cao như chăn nuôi (lợn, gà) vì một số nước trong CPTPP có thế mạnh hơn. Bên cạnh đó, nông nghiệp Bắc Giang chủ yếu vẫn dựa trên số lượng hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn yếu.
Đứng trước những thách thức đó, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp thông qua một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Ban hành nghị quyết về khuyến khích dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; khuyến khích mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký, bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, mặt hàng nông nghiệp chủ lực của địa phương là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái. Năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của thành phố Cần Thơ đạt hơn 1.650 triệu USD, các mặt hàng chủ lực chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu, Cần Thơ đã xây dựng thành công 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 89 sản phẩm, nông, lâm, thủy sản. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng tem điện tử truy suất nguồn gốc với 107.000 tem giúp doanh nghiệp kiểm soát toàn bộ quá trình của chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.
Tỉnh An Giang có 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, cá tra và rau quả, trong đó, mặt hàng gạo được xuất tới 38 quốc gia. Năm 2018, 3 mặt hàng chủ lực mang về cho địa phương này 542 triệu USD. Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, khó khăn lớn nhất khi thâm nhập vào thị trường châu Âu là các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Do đó, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp về quy trình xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp trong tiêu thụ nông, thủy sản.
An Nhiên