Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 02:03 GMT+7

Chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Biên phòng - Theo đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới của Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng, chống đại dịch và quản lý bền vững, đồng thời chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành.

Ảnh minh họa.

Đến thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang coi bệnh Covid-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù, 118/208 quốc gia, vùng lãnh thổ đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại do Covid-19; 156 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới cho phép công dân đến từ mọi quốc gia nhập cảnh; nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 như đối với các bệnh thông thường khác, không bắt buộc phải cách ly đối với F0, F1 hoặc không phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng...

Thậm chí, một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Australia... đã đưa các tiêu chí để xem Covid-19 là bệnh lưu hành, dựa trên các chỉ số như tỉ lệ tử vong thấp, tỉ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vaccine cao.

Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cảnh báo, diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp. Sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm mạnh từ 1,03% trong tháng 1/2022 xuống dưới 0,05% trong tháng 6/2022. Nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt như phòng, chống bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, một bệnh chỉ được coi là lưu hành khi đáp ứng một số tiêu chí cụ thể, nhất là khi tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. Trong khi nhiều quốc gia đang đứng trước làn sóng bùng phát Covid-19 mùa Hè do sự lưu hành của các biến thể mới của SARS-CoV-2 như BA.4, BA.5.

Tính đến ngày 27/6, thế giới ghi nhận hơn 548,4 triệu ca mắc Covid-19, trên 6,35 triệu ca tử vong; Việt Nam ghi nhận 10.744.085 ca mắc, 9.653.650 người khỏi bệnh, 43.084 ca tử vong. Đáng lưu ý, biến thể BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.

Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, cần thêm thời gian khi chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch Covid-19, nhất là tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho người dân và triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện nay, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.

Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan, ngại tiêm các mũi vaccine nhắc lại. Nhiều địa phương đang gặp khó khăn khi triển khai tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4), tiến độ tiêm chủng chững lại do việc triển khai chủ yếu do ngành y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng.

Bằng chứng khoa học cho thấy, hiệu lực của vaccine ngừa Covid-19 giảm tương đối nhanh. Để bảo vệ thành quả phòng dịch, WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ cao, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em; bệnh đậu mùa khỉ), nhất là các biến chủng mới của Covid-19 có nguy cơ lan truyền qua biên giới, Bộ Y tế yêu cầu các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế; chủ động ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại biên giới, cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO