Biên phòng - Thời gian qua, xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài trong việc phát triển nền nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững, tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều mục tiêu, định hướng phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Tỉnh Gia Lai có 845.104,3ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm tỉ lệ 54,49% diện tích toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai đã hình thành được 18 khu sản xuất có tính công nghệ cao, với tổng diện tích trên 3.489ha, tập trung vào các sản phẩm chính như bơ, sầu riêng, thanh long, hồ tiêu, rau, hoa màu... được sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Tại huyện Chư Sê, năm 2019, Đảng bộ huyện cũng ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025. Nghị quyết đã định hướng đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp phục hồi và phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Chư Sê đã đầu tư gần 78,39 tỷ đồng từ các nguồn vốn để triển khai các dự án trên địa bàn 15 xã, thị trấn. Hiện nay, các mô hình công nghệ cao đã được lan tỏa, người dân trên địa bàn đã biết vận dụng, mạnh dạn đầu tư liên kết như mô hình chăn nuôi heo gia công, trồng dâu nuôi tằm, trồng nấm công nghệ cao, trồng xen canh cây ăn trái với cà phê...
Theo bà Rmah H Bé Net, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, để triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao, huyện Chư Sê đã mở các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; tổ chức tham quan các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng cơ bản mua sắm trang thiết bị, máy móc từ ngân sách huyện hỗ trợ cho nông dân 30% chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, huyện Chư Sê cũng kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng liên kết với các hộ nông dân để tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chê... để người dân có đầu ra ổn định.
Tại thành phố Pleiku, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Hương Đất An Phú (xã An Phú) là một trong 3 doanh nghiệp tiên phong của tỉnh Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cấp Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú đã đầu tư 4 tỷ đồng để trồng 5ha nhà kính trồng rau an toàn theo phương pháp công nghệ cao, sử dụng công nghệ tưới, chăm sóc tự động hiện đại của Israel cùng hệ thống cắt nắng điều khiển từ xa được hỗ trợ từ dự án áp dụng nông nghiệp công nghệ cao của Sở Khoa học và Công nghệ. Nhờ áp dụng công nghệ này, mỗi ngày, Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú cung cấp ra thị trường từ 5-6 tấn rau, củ, quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP với giá thành cao hơn từ 30-40% so với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú cho biết: “Hiện nay, công ty đang sản xuất trên tổng diện tích 10ha, trong đó, một nửa là sản xuất trên khu công nghệ cao nhà kính để sản xuất các loại hoa màu ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, hệ thống tưới nước tự động đã đem lại cho chúng tôi nhiều lợi ích. Cụ thể, nhân công giảm, lượng nước tưới vừa đủ để cây trồng hấp thụ và đem lại năng suất vượt trội, đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm của đơn vị”.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai thông tin, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh để kết nối IoT, điều khiển tự động, tự điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm không khí, tự theo dõi nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng...
Cùng với đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và nhân giống, sản xuất các loại sâm non theo phương pháp thủy canh, khí canh cũng bắt đầu được áp dụng. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0, cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ cao ở tất cả các lĩnh vực sản xuất nông sản thực phẩm để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 40 tỷ đồng, tăng bình quân 6,25%/năm; tăng 1,43 lần so với năm 2020. Tiếp tục hình thành và công nhận thêm vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao giá trị và sản lượng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, thu hút các nguồn lực để phát triển và hoàn thiện kinh tế hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2020-2025, 5 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đã đề ra 3 nội dung về phát triển nông nghiệp như: kết nối hạ tầng cho nông nghiệp; kêu gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Đặc biệt là có riêng nghị quyết phát triển lâm nghiệp bền vững tăng cường sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội rất tốt để đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, từ đó, tạo tiền đề để ngành nông nghiệp có nhiều bước đi vững chắc trong thời gian tới”.
Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã hình thành được 12 chuỗi liên kết, với sự tham gia của 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác và 11.862 hộ nông dân tham gia liên kết với 42 doanh nghiệp. Kết quả đã có trên 227.176ha cây trồng được sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, 4C, Organic... Bước đầu, đã cấp 51 mã số vùng trồng, 21 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh đã có mặt trên thị trường gần 40 quốc gia, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thùy Dung