Biên phòng - Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số đã được tỉnh Sơn La bố trí ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các vùng trong tỉnh, nhiều người giữ trọng trách cao, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ công chức là người dân tộc
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, với diện tích tự nhiên là 14.174,4km2, trong đó, 75% diện tích là rừng núi, địa hình chia cắt, phức tạp, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tỉnh có 5 huyện nghèo thuộc chương trình theo Nghị quyết 30a/NQ-CP, với 102 xã, 1.341 bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,5% số dân. Những năm gần đây, đời sống của nhân dân tuy được cải thiện, nhưng tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp, nên khả năng tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ có sự phát triển về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, nhất là trong nền kinh tế tri thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Sơn La đã quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức nói chung và trí thức dân tộc thiểu số nói riêng.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện có liên quan bố trí bảo đảm về số lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại các xã địa bàn trọng yếu theo quy định.
Việc tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Mông có trình độ và am hiểu phong tục, tập quán đã góp phần giúp các ủy, chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm và giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại cơ sở. Bảo đảm cơ cấu hợp lý của cán bộ, công chức người dân tộc Mông trong hệ thống chính trị tại các xã địa bàn trọng yếu.
Chú trọng quy hoạch và đào tạo
Việc tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển chung của địa phương, góp phần tập hợp được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, một bộ phận khá lớn cán bộ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn. Rõ nhất là năng lực điều hành, tổ chức và quản lý còn yếu; khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp, lúng túng trong chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chưa kể, hiện nay, số cán bộ dân tộc thiểu số nắm giữ các chức vụ chủ chốt ít; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, chính quyền còn thấp.
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm về tiêu chuẩn, cơ cấu, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh và lĩnh vực công tác; bảo đảm sự phát triển, kế thừa vững chắc giữa các thế hệ cán bộ.
Theo các chuyên gia, để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương cũng như của đất nước, cần quan tâm đến cơ cấu thành phần, nhất là dân tộc thiểu số rất ít người. Cùng với đó, các cấp, các ngành trong tỉnh và Trung ương cần có thêm những chính sách phù hợp để thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số.
Tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc Mông và một số cán bộ dân tộc thiểu số ít người phù hợp với cơ cấu thành phần dân tộc...
Để đạt được mục tiêu, tỉnh Sơn La xác định rõ nhiệm vụ là tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Mông và một số dân tộc thiểu số ít người nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số theo tiêu chuẩn, chức danh đảm nhiệm; nâng tỉ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức của cấp cơ sở, nhất là đối với các dân tộc ít hoặc chưa có cán bộ, công chức.
Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng xác định, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới là hết sức cấp bách. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, chống âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn Liên