Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 12:42 GMT+7

Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội

Biên phòng - Nhằm chú trọng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, những năm qua, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và sáng tạo như duy trì các câu lạc bộ dạy nhảy, hay tổ chức nhiều hoạt động tham quan, học tập truyền thống, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị.

Các chiến sĩ tham quan và tìm hiểu lịch sử tại Nhà Truyền thống BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Lân

Gắn kết tình đồng đội qua những bước nhảy

Chứng kiến một buổi học nhảy dân vũ tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Đắk Lắk,chúng tôi cảm nhận được sự vui tươi, hào hứng của bộ đội nơi đây. Dưới nền nhạc là các bài hát “đậm chất lính” được hòa âm sôi động và phù hợp với bài nhảy, hòa chung trong điệu nhảy là những khuôn mặt rạng rỡ, vui tươi, gác đi những vất vả nơi thao trường nắng gió.

Thiếu tá Y Juel Byă, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Đắk Lắk cho biết: Hằng năm, đơn vị tiếp nhận và huấn luyện hàng trăm chiến sĩ mới từ các vùng miền và nhiều địa phương khác nhau như Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk... Nhằm giúp cho chiến sĩ mới có cơ hội hòa đồng, tạo sân chơi bổ ích, Đoàn cơ sở Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và các tổ chức Đoàn trên địa bàn đóng quân thành lập câu lạc bộ nhảy Cha cha cha, Rumba và nhảy dân vũ. Các buổi dạy nhảy được tổ chức vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ hoặc những ngày sinh hoạt Đoàn trong tuần của đơn vị.

Thời gian đầu, chiến sĩ mới được các thành viên trong câu lạc bộ hướng dẫn từng động tác một và tập nhiều lần, hướng dẫn từ dễ đến khó. Sau hơn 1 tuần luyện tập, cán bộ, chiến sĩ có thể tự hướng dẫn nhau, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, dần dần thuần thục động tác.

Nhảy dân vũ là một trong những điệu nhảy dễ học, dễ nhớ. Thế nhưng, với một số chiến sĩ mới lần đầu học nhảy như Trần Trung Hội, Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện thì sự ngượng nghịu và lúng túng là điều không tránh khỏi. Chiến sĩ Trần Trung Hội bộc bạch: Trước đây, em chưa có cơ hội để học những bài nhảy này nên thường hay quên động tác, nhưng sau nhiều lần tập và được các anh chị trong câu lạc bộ chỉ bảo, dần dần, em đã luyện tập đều hơn, đẹp hơn. Sự thoải mái và tự tin đó là điều em thích nhất khi học nhảy.

Không những chiến sĩ Trần Trung Hội cảm nhận như thế mà hầu hết các chiến sĩ đều có chung một cảm nhận khi tham gia học nhảy là sự thoải mái, khoảng cách giữa những người lính dần thu hẹp lại và sự tự tin được tăng lên qua những bước nhảy.

Còn đối với những bài nhảy Rumba và Cha cha cha tuy khó nhưng lại được nhiều chiến sĩ mày mò, tìm hiểu. Đặc biệt, bạn nhảy không ai khác chính là đồng đội trong khóa huấn luyện. Chiến sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trung đội 2, Đại đội Huấn luyện cho biết: Có những buổi học nhảy đã tạo cho chúng em môi trường vui tươi, tinh thần lạc quan và hơn hết là gắn kết tình đồng đội, đồng chí. Tuy mỗi người một lứa tuổi khác nhau, sống ở những vùng miền khác nhau, nhưng khi cùng tham gia bài nhảy đều hòa đồng và gắn kết với nhau.

Vừa tham quan, vừa học tập truyền thống, lịch sử

Những ngày đầu tháng 7/2022, chiến sĩ mới của đơn vị được tham quan, học tập tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Địa điểm đầu tiên của chuyến tham quan, học tập là Nhà Truyền thống BĐBP Đắk Lắk. Tại đây, các chiến sĩ trẻ được giới thiệu về lịch sử BĐBP Đắk Lắk với những thành tích, chiến công nổi bật như: Được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Chiến công, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Đắk Lắk đã tham gia 185 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị các loại...

Nhiều chiến sĩ mới chăm chú lắng nghe, quan sát và đã bày tỏ sự khâm phục đối với thế hệ cha anh đi trước. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Hiệp, Trung đội 3, Đại đội Huấn luyện phấn khởi chia sẻ: “Qua các bài giáo dục về lịch sử và tận mắt được nhìn những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại đây, chúng tôi hiểu thêm về những chiến công, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, mỗi người thêm tự hào và xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm rèn luyện thật tốt để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của lực lượng BĐBP”.

Đối với nhiều chiến sĩ, đến tham quan và học tập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trải nghiệm về lịch sử ấn tượng, được tận mắt chứng kiến sự tàn ác của thực dân qua những hình ảnh các chiến sĩ cách mạng bị tra tấn, đòn roi, bị lính Pháp áp bức, nô dịch...

Mỗi căn phòng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đều tái hiện một hình thức tra khảo, đàn áp và bóc lột riêng của thực dân Pháp. Đồng thời, khắc họa những hình ảnh biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, là niềm tin tất thắng của các chiến sĩ cách mạng.

Chiến sĩ Trương Hoàng Tuấn, Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện cho biết: Tuy những hình ảnh được làm bằng sáp không biết nói, cũng không biết cử động, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được nỗi đau đớn mà các chiến sĩ cách mạng phải chịu ngày qua ngày tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Hào khí anh hùng của những chiến sĩ cách mạng ngày xưa như thổi thêm sức mạnh cổ vũ tinh thần yêu nước cho những người chiến sĩ chúng tôi hôm nay.

“Thông qua chuyến tham quan nhằm bồi dưỡng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là chiến sĩ mới. Đồng thời, giúp các chiến sĩ bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt, tích cực hưởng ứng đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng” nhằm kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Qua đó, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Phạm Quang Hiển, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO