Biên phòng - Vừa qua, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã tổ chức rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam. Theo đó, hàng loạt các giải pháp thiết thực được đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với vấn đề được quan tâm nhất hiện nay, đó là quản lý tư tưởng bộ đội.

Theo đánh giá của Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP luôn sát sao, triển khai nhiều biện pháp để nắm chắc tình hình tư tưởng đơn vị. Nhờ đó, trực tiếp nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp cho cán bộ, chiến sĩ (CB, CS), góp phần hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng; chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ngại khó, ngại khổ trong từng nhiệm vụ được giao.
Công tác tư tưởng góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị, chống mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, mơ hồ mất cảnh giác, bảo đảm cho CB, CS tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, CB, CS BĐBP thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn biên giới, hải đảo, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa và cuộc sống của nhân dân còn gặp muôn vàn khó khăn; cùng một lúc phải giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ ở đơn vị, việc gia đình và các mối quan hệ cá nhân nên những vấn đề trên đã tạo áp lực, tác động trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng quân nhân cũng như công tác quản lý tư tưởng của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị hiện nay.
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và những khó khăn phải đối mặt trong công tác tư tưởng, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành quản lý tư tưởng quân nhân. Theo đó, nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, kịp thời được đề ra nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Cùng với tăng cường giáo dục chính trị, các đơn vị luôn coi trọng phát huy dân chủ gắn với hoàn thiện cơ chế, quy chế, chính sách trên các mặt công tác để nắm, quản lý tình hình đơn vị, diễn biến tư tưởng của CB,CS.
Sau hơn 1 năm triển khai Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam, nhiều đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, thuyết phục với các phong trào, các cuộc vận động nhằm quản lý tư tưởng. Song hành với đó, đã duy trì có nền nếp các khâu, các bước: quản lý, dự báo, định hướng, đấu tranh và giải quyết tư tưởng, quản lý các mối quan hệ của quân nhân, tạo sức đề kháng cho quân nhân trước tác động của mạng xã hội...
Nhiều biện pháp nắm tình hình tư tưởng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Các đơn vị đã tập trung nắm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ý thức tự giác chấp hành các chế độ, kỷ luật Quân đội; nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; tinh thần trách nhiệm trong công tác, trạng thái, diễn biến về tâm lý trước, trong và sau quá trình thực hiện nhiệm vụ; kết hợp nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh gia đình, phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình đưa ra các phương án xử lý khi có tình huống xảy ra.
Với những chủ trương, biện pháp sát, đúng, phù hợp, công tác quản lý tư tưởng ở nhiều đơn vị đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trận địa tư tưởng trong các đơn vị BĐBP được giữ vững; tình hình vi phạm kỷ luật được kiểm soát, tuyệt đại đa số CB, CS trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhận thức tốt về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong khó khăn, gian khổ, điều kiện khắc nghiệt của biên giới, hải đảo, CB, CS BĐBP luôn nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ý thức trách nhiệm, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trước tác động của tình hình thế giới, khu vực, công tác quản lý tư tưởng quân nhân được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và không gian mạng nhằm thực hiện "phi chính trị hóa" quân đội. Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển Internet, nhất là mặt trái của mạng xã hội đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của CB, CS.

Để công tác quản lý tư tưởng không còn là những khó khăn, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Trước tiên, cần xác định công tác quản lý tư tưởng quân nhân phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của người chỉ huy. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp, quy trình các khâu, các bước của công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận; củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong đơn vị; ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhận thức, hành vi lệch lạc, sai trái, tiêu cực, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật trong đơn vị; khắc phục, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mất an toàn giao thông, vi phạm kỷ luật, góp phần nâng cao chất lượng sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Thứ hai, gắn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị với đổi mới tăng cường công tác quản lý tư tưởng. Nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị; kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, giáo dục với quản lý bộ đội. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị trước những khó khăn, thách thức, nhất là trước và trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu cao. Duy trì nền nếp, hiệu quả các hình thức giáo dục chính trị phù hợp với từng đối tượng; trong đó, chú trọng đổi mới việc tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bảo đảm tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính thuyết phục trong từng nội dung.
Thứ ba, cần nắm chắc, dự báo sát diễn biến tư tưởng CB, CS; chủ động theo dõi, đánh giá, phân loại cụ thể đến từng đối tượng theo phân cấp để có những biện pháp sát, đúng trong giáo dục, định hướng, giải quyết tư tưởng cho bộ đội. Chú trọng kết hợp chặt chẽ quản lý tư tưởng với quản lý kỷ luật và duy trì các chế độ quy định. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng tiến hành công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận, trọng tâm là vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng; vai trò của các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân trong giáo dục, rèn luyện đoàn viên, hội viên, quân nhân trong đơn vị; vai trò của Tổ 3 người, Tổ tư vấn tâm lý, Chiến sĩ bảo vệ an ninh...
Thứ tư, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Mai Viết Nhân