Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 12:02 GMT+7

Chủ tịch mặt trận gương mẫu ở vùng biên Thu Lũm

Biên phòng - Bằng uy tín và sự gương mẫu của mình, ông Chu Xé Lù, người Hà Nhì, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã biên giới Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã bền bỉ vận động con cháu, nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Ông cũng là nhân tố tích cực trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình làm mẫu cho các hộ dân khác làm theo.

Ông Chu Xé Lù kể chuyện đi tuần tra biên giới cùng BĐBP. Ảnh: Ngọc Lan

Ở xã Thu Lũm, ông Chu Xé Lù là một trong những cán bộ được người dân tín nhiệm, yêu mến bởi những đóng góp tích cực trong việc vận động bà con đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cũng là người tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng như vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự.

Do đã hẹn trước, ông Chu Xé Lù, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm dành cả một buổi sáng trò chuyện với chúng tôi về những công việc mà ông đang làm hằng ngày. Ông Lù sinh năm 1968 nhưng phải đến năm 1977 mới được đi học vì gia đình quá nghèo, trường học lại ở xa nhà.

“Ngày xưa, trường học ở xa, đi lại khó khăn, vất vả lắm, không được sung sướng, thuận lợi như bây giờ. Tôi nhớ, hồi học lớp 4, tôi phải sang tận xã Mường Mô để học. Tôi và 2 người bạn của mình đi bộ 5 ngày mới tới Trường Thiếu niên số 1 để học. Cả huyện Mường Nhé và Mường Tè hồi đó chỉ có 87 học sinh đi học như chúng tôi. Ở trường, chúng tôi tự làm tất cả. Hồi đó, thiếu thốn, đói ăn lắm, mỗi bữa mỗi người chỉ được nửa bát cơm, chúng tôi phải tìm bới sắn để luộc ăn thêm. Đói khổ, nhưng chúng tôi rất chịu khó học vì bố mẹ đã dặn, chỉ có cái chữ mới giúp cuộc đời sau này bớt khổ” - ông Chu Xé Lù nhớ lại.

Có cái chữ, quay trở về địa phương công tác, ông được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã thu Lũm, rồi Phó Chủ tịch UBND xã. Đến tháng 11/2000, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã Thu Lũm, khi đó, ông 33 tuổi, là Chủ tịch UBND xã trẻ nhất tỉnh Lai Châu. Trong giai đoạn 2009-2016, ông giữ các cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Cả cuộc đời gắn bó với quê hương, ông Chu Xe Lù rất hạnh phúc, phấn khởi trước sự đổi thay từng ngày của vùng đất nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Ông chia sẻ: “Năm 2008, đường ô tô được mở từ xã Ka Lăng lên tới Thu Lũm. Con đường đã mở ra sự thay đổi toàn diện cho xã tôi, hàng hóa lưu thông, bà con không còn chịu đói khổ như trước nữa”.

Trong câu chuyện của mình, ông Chu Xé Lù hay nhắc tới những người lính Biên phòng, đó là Thiếu úy Tao Văn Việt, nguyên là Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Thu Lũm, Đồn Biên phòng Ka Lăng và Đồn trưởng Trần Văn Pho. Ông bảo, những người lính Biên phòng đã dành rất nhiều tâm huyết cho vùng đất Thu Lũm nhằm thay đổi cuộc sống của bà con.

“Ngày xưa, chúng tôi trồng giống lúa địa phương, thân lúa cao, rất dễ gãy đổ, nảy mầm, hạt gạo thì cứng như thép, năng suất rất thấp, chỉ 1 tấn/ha. Chính vì vậy mà dân bị đói rất nhiều. Anh Việt thấy vậy mới về quê anh (Mường Chà, tỉnh Điện Biên) mang 1kg giống lúa địa phương cho ông Phùng Lòng Cà, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Mường Chà trồng thử nghiệm. Giống lúa này thân thấp, năng suất rất cao, gạo lại ngon. Sau khi thử nghiệm thấy giống lúa đó thích hợp với thổ nhưỡng ở Thu Lũm, anh Việt và ông Cà đã vận động nhân dân trồng. Năng suất giống lúa mới gấp 3-4 lần giống cũ, bà con rất phấn khởi. Từ đó, chúng tôi hay gọi giống lúa đó là giống lúa anh Việt”.

Không chỉ tặng giống lúa, BĐBP Lai Châu còn làm nhà tặng người dân, thường xuyên tặng quà, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Chính vì vậy mà quan hệ quân - dân nơi đây ngày càng bền chặt.

Thấm cái tình, cái nghĩa của bộ đội dành cho mình, ông Lù và nhân dân một lòng giúp đỡ BĐBP. Bản thân ông Lù luôn tích cực đi đầu cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia.

“Từ khi còn là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, kiêm Trung đội trưởng Dân quân, tôi cùng các lãnh đạo, cán bộ xã thường xuyên đi tuần tra biên giới cùng BĐBP, trong đó,đườngđếncột mốc 33 là khó đi nhất. Trước kia, chúng tôi phải đi cả ngày, luồn rừng, trèo đèo, phát cây, bám vào vách đá đi lên đi. Thông thường, chúng tôi xuất phát từ lúc 5 giờ sáng, mang theo cơm nắm, xôi, dao rừng đi tới 2-3 giờ chiều mới tới nơi. Chúng tôi quay về tới được nhà khoảng 1 giờ sáng. Ngày xưa, tôi khỏe lắm, đi không biết mệt” - ông Lù vui vẻ kể chuyện.

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông Lù cùng với chính quyền xã và nhân dân đã tham gia giải quyết hiệu quả nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới. “Có lần, người dân trong xã bị mất 4 con trâu. Sau đó, mọi người đi làm nương, sát biên giới, phát hiện số trâu đó bị buộc ở thôn Tá Tư, xã Bình Hà (Trung Quốc). Tôi liền trao đổi với Đồn Biên phòng Thu Lũm điện đàm cho lực lượng bảo vệ biên giới phía Trung Quốc đề nghị giúp đỡ giải quyết. Bản thân tôi cũng điện thoại cho Bí thư Đảng ủy xã Bình Hà đề nghị họ giúp đỡ, trao trả lại. Khoảng 2 tiếng sau, 4 con trâu đã được phía bạn trao trả tại khu vực mốc 29” - ông Lù kể.

Không chỉ vận động nhân dân sát cánh cùng BĐBP bảo vệ biên giới, ông Lù còn là hạt nhân tích cực tuyên truyền bà con trong xã khoanh nuôi, bảo vệ rừng. “Trước năm 2000, vào mùa khô thường hay xảy ra cháy rừng do người dân đốt để tìm con dúi, hoặc đốt nương. Nhưng từ ngày được tuyên truyền, ý thức bảo vệ rừng của bà con đã được nâng lên, không còn xảy ra cháy rừng nữa. Chúng tôi còn thành lập mỗi bản một đội xung kích chữa cháy rừng” - Ông Lù nhớ lại.

Ông Lù cũng là người đi đầu trong việc vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, duy trì và phát huy tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp.

Thông qua sự vận động của các tổ chức đoàn thể, người có uy tín, người dân xã Thu Lũm đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Lan

Cư dân của xã Thu Lũm chủ yếu là đồng bào Hà Nhì. Theo tập tục, trước đây khi có tang ma, người dân thường để người chết trong nhà 4-5 ngày mới mang đi chôn cất, có nguy cơ gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường. Cùng với đó, người nhà phải giết mổ nhiều lợn, gà để cúng tiễn người chết, rất tốn kém. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể, trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm, người dân đã từ bỏ tập tục lạc hậu này, chôn cất người chết trong vòng 2 ngày.

Ngược lại, ông Chu Xé Lù cũng vận động người dân gìn giữ những phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp như tín ngưỡng thờ thần rừng và tổ chức cúng rừng hằng năm. Theo đó, người Hà Nhì không được đốt lửa, đốt rừng, xâm phạm rừng. Cho đến nay, người Hà Nhì ở Thu Lũm vẫn thờ thần rừng và tổ chức lễ cúng rừng vào một ngày nhất định do người dân lựa chọn. Việc lưu truyền tín ngưỡng tốt đẹp này góp phần giúp xã Thu Lũm bảo vệ nguyên diện tích rừng hiện có, không xảy ra hiện tượng chặt phá rừng.

Ông Lù cũng đóng góp tích cực vào việc vận động nhân dân giữ gìn các bài hát, điệu múa truyền thống của người Hà Nhì, đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm của toàn dân, đến nay, xã Thu Lũm đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy trong công việc, ông Chu Xé Lù luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân tới chính quyền xã, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngọc Lan

Bình luận

ZALO