Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 11:52 GMT+7

Chủ nghĩa dân túy “trượt dốc” ở châu Âu

Biên phòng - Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm gần đây cho thấy một tinh thần đoàn kết sa sút khi ngày càng rạn nứt trước những vấn đề chung của Khối. Dẫu vậy, khi đứng trước những thách thức lớn mới đây, EU đã phần nào cho thấy sự gắn kết tốt hơn với một yếu tố quan trọng hàng đầu là “sự trở lại” của các đảng chính thống.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh EU trực tiếp ở Thủ đô Brussels, Bỉ, ngày 10-12-2020. Ảnh: Reuters

Xu hướng đảo ngược với “sự trở lại”

EU trong năm qua đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm bậc nhất gồm 2 vấn đề về đại dịch Covid-19 và việc Anh rời khỏi Khối (Brexit). Trong một mối quan hệ vốn ngày càng nhiều bất đồng, nhiều người đã lo sợ rằng, nội bộ EU sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, EU đã chứng minh điều ngược lại trước 2 vấn đề này khi cho thấy sự hòa hợp và đoàn kết hơn. Giới phân tích chính trị đánh giá, các nhà lãnh đạo chính thống của EU đã vượt qua sự khác biệt để đạt được sự đồng thuận trong hầu hết mọi vấn đề, đặc biệt là nỗ lực đến “phút chót” để đạt được Thỏa thuận Brexit với Anh.

Các chuyên gia chính trị châu Âu chỉ ra rằng, tại EU trong hơn một thập kỷ qua, sau khi hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính và di cư khởi nguồn từ năm 2008, các đảng theo chủ nghĩa dân túy đã nổi lên đáng kể khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính trường đến toàn xã hội. Song, sau một năm 2020 đầy thách thức, chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu đã và đang dần bị gạt ra ngoài lề xã hội, trong khi các đảng phái truyền thống và chính thống đang chiếm lại niềm tin trong cộng đồng.

Cùng với đó, có một niềm tin rất lớn trong dư luận rằng, năm 2021, châu Âu sẽ có những bước tiến tích cực hơn dù thách thức chưa hề “giảm nhiệt”, thậm chí dự báo kinh tế năm 2021 vẫn cho thấy “tông màu u ám”. Bởi, nếu các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục sự thống nhất, sử dụng các “đòn bẩy” chính trị của mình một cách thận trọng, theo đuổi sự gắn kết và hội nhập kinh tế hơn nữa gắn với nâng cao phúc lợi xã hội thì EU có thể nâng tầm sự trở lại của nền chính trị truyền thống.

Giới phân tích chính trị châu Âu cũng khẳng định rằng, dù hiện hữu một luồng quan điểm phản ứng gay gắt với các biện pháp cứng rắn về phòng, chống dịch Covid-19 của các chính phủ châu Âu trong năm qua, song, các nhà lãnh đạo chính thống của châu Âu vẫn đạt được sự ủng hộ ngày càng tăng. Điều này thể hiện rõ ở các con số về mức độ tín nhiệm của người dân.

Điển hình như Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện đạt được 71% mức độ tín nhiệm (tăng 18% so với năm trước), Thủ tướng Italia Giuseppe Conte có 57% (tăng 12%) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là 49% (tăng 9),... Các đảng chính trị truyền thống khác như: Đảng cầm quyền trung hữu ở Hà Lan, Áo; các chính phủ trung tả do Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo ở Đan Mạch; Đảng Xã hội ở Bồ Đào Nha;... đều dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận ở các quốc gia tương ứng.

Điều này hoàn toàn trái ngược ở các chính phủ do những người theo chủ nghĩa dân túy lãnh đạo khi ngày càng chìm sâu vào tình trạng ảm đạm. Điển hình như đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý của Ba Lan đã chứng kiến sự ủng hộ giảm mạnh xuống còn 34% (giảm 8% so với một năm trước) trong bối cảnh các tranh chấp chính sách trong nước và việc chính phủ xử lý sai đại dịch.

Ở Hungary, đảng Fidesz vẫn là đảng được nhiều người ủng hộ nhất ở nước này nhưng tỷ lệ bỏ phiếu cho đảng này đã tuột dốc, giảm xuống dưới 50% trong những tháng gần đây, con số thấp nhất kể từ năm 2017. Tương tự ở Đức, Thụy Điển, Italia, Hà Lan,... các đảng theo chủ nghĩa dân túy cũng đều “trượt dốc” khá mạnh về mức độ tín nhiệm và hầu như chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ.

Ngăn chặn sự phục hưng của dân túy

Nêu bật chuỗi thắng lợi của các nhà lãnh đạo châu Âu chính thống trong năm qua, giới phân tích chính trị chỉ rõ một số thành tích nổi bật như: Sự phục hồi chung sau đại dịch; sự vươn lên sau khi bị dịch Covid-19 tàn phá ở Italia và Tây Ban Nha;... thông qua ngân sách 1,3 nghìn tỷ USD và một quỹ khắc phục đại dịch riêng biệt trị giá 916 tỷ USD; gạt bỏ những bất đồng lâu dài về việc vay vốn chung để đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và một nền kinh tế xanh và kỹ thuật số...

Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo EU đã bị thúc đẩy hành động bởi chiều sâu của cuộc khủng hoảng và nhu cầu xoa dịu nỗi lo của người dân về một cuộc suy thoái kéo dài. Bối cảnh đó có thể sẽ cung cấp thêm phạm vi đổi mới chính sách có thể thúc đẩy hội nhập EU và ngăn chặn sự phục hưng của chủ nghĩa dân túy.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính thống sẽ cần tiếp tục tập trung vào việc xác định các lĩnh vực thực dụng để thỏa hiệp giữa các chính phủ châu Âu cùng những kế hoạch đầy tham vọng hơn như Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU trực tiếp ở Thủ đô Brussels, Bỉ, ngày 10-12-2020. Ảnh: Qalampir

Trong một diễn biến liên quan, việc chính quyền mới của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Joe Biden quay trở lại các nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu đã tạo nên một nền tảng hợp tác EU - Mỹ khá lạc quan với nhiều kỳ vọng thắt chặt các cam kết hợp tác, khuyến khích sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch. Nói rộng hơn, về thương mại toàn cầu, một động lực cải cách có thể khiến EU và đối tác của Mỹ đưa các tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường và tôn trọng nhân quyền lên hàng đầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Một cuộc cải tổ của Tổ chức Y tế Thế giới cũng có thể được thực hiện, dựa trên các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.

Dẫu có nhiều tín hiệu lạc quan, song, bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 là một lời nhắc nhở rằng, đã từng có tiền lệ, niềm tin vào các thể chế chính trị có thể bị chùn bước trong khó khăn, kéo theo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Trong trường hợp nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu, các nhà lãnh đạo chính thống của EU phải sẵn sàng đương đầu với thách thức bằng các nguồn lực thích hợp, tránh để chủ nghĩa phi tự do tạo ra một bối cảnh rối ren hơn.n

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO