Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 05:32 GMT+7

Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

Biên phòng - Theo dự báo, mùa mưa bão năm 2022 tại khu vực miền Trung sẽ diễn biến phức tạp, khó lường và thời tiết cực đoan xảy ra trên diện rộng. Với tinh thần “tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và hiệu quả”, các đơn vị thuộc BĐBP thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai hiệu quả nhiều giải pháp về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà tuyên truyền về an toàn hàng hải trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Trúc Hà

Chủ động các phương án

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, bởi vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN đến từng cán bộ, chiến sĩ. Theo Đại tá Trần Công Thành, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng, hằng năm, BĐBP thành phố tích cực xây dựng các giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN sát với thực tiễn. Với tinh thần “tích cực, chủ động phòng ngừa, ứng cứu nhanh và có hiệu quả” và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các đồn Biên phòng, Hải đội 2 đã xây dựng phương án về phương tiện, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm bảo đảm việc cơ động nhanh, sẵn sàng tác chiến thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức các đợt tập huấn, huấn luyện nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện các nội dung: Bơi, kỹ năng, phương pháp cứu người bị nạn trên biển, cách sử dụng áo phao, phao cứu sinh; chuẩn bị trang thiết bị chữa cháy và xử lý một số tình huống cháy... Các đồn Biên phòng đã thành lập các tổ cơ động để sẵn sàng đến địa bàn trọng điểm, xung yếu, vùng trũng thấp, ven biển… phối hợp với địa phương hướng dẫn, giúp đỡ người dân, di chuyển người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lớn. Các đơn vị cũng đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tai nạn xảy ra cho ngư dân.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm thông tin liên lạc cũng luôn được quan tâm. Thiếu tá Phạm Phi Hùng, Trưởng ban Thông tin BĐBP thành phố cho biết: “Hiện nay, tất cả các đài canh của BĐBP thành phố từ Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở đều duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với ngư dân để nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời hướng dẫn các phương tiện tìm nơi trú đậu an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, BĐBP thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão và nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi”.

Thông qua tổ tàu thuyền đoàn kết, các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền đến ngư dân nắm vững về các quy định phòng tránh thiên tai khi đi biển, quy ước tần số thông tin liên lạc để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có gió bão. Các trạm kiểm soát Biên phòng bên cạnh việc làm thủ tục còn tăng cường kiểm tra về bảo đảm an toàn hàng hải, qua đó, phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai phạm, kiến nghị nhiều giải pháp về quản lý tàu thuyền và ngư dân khi tham gia hoạt động trên biển.

Sẵn sàng ứng cứu ngư dân

Miền Trung đang bước vào cuối tháng 9 - thời điểm bắt đầu xuất hiện thời tiết xấu. Đến nay, các đồn Biên phòng, Hải đội 2, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng các phương án thông báo, kêu gọi phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn cũng như cứu kéo, trục vớt phương tiện bị bão lũ đánh chìm, trôi dạt trên biển để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lụt gây ra.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP thành phố Đà Nẵng bảo dưỡng kĩ thuật cho các tàu để sẵn sàng tham gia nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Trúc Hà

Hiện nay, các đơn vị đang ra sức luyện tập thành thục các phương án cứu hộ, cứu nạn, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tự giác nâng cao ý thức phòng, chống bão lụt. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào hoạt động trên biển, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, nhưng không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân và kiên quyết không cho ra khơi hoạt động đối với thuyền viên, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn.

Thượng tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP thành phố cho biết: “Với tinh thần “tính mạng, tài sản của nhân dân là trên hết” nên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn xác định rõ được nhiệm vụ của mình. Mỗi khi có tin bão hay áp thấp nhiệt đới, đơn vị thường trực 100% quân số, sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có các tình huống xảy ra. Hiện nay, trên từng con tàu, các bộ phận chuẩn bị sẵn sàng nước ngọt, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu... để khi có lệnh là vượt sóng ra khơi ngay làm nhiệm vụ sẵn sàng ứng cứu”.

Đồn Biên phòng Sơn Trà quản lý 4 phường Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông và Phước Mỹ (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), trong đó có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang lớn nhất khu vực miền Trung. Thiếu tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết: “Quản lý địa bàn đông dân cư, đặc biệt có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thành phố nên đặt ra những thách thức không nhỏ cho đơn vị trong công tác PCTT-TKCN. Chúng tôi đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang trong việc bố trí, sắp xếp vị trí neo đậu tàu thuyền vào tránh bão, áp thấp nhiệt đới và bố trí vị trí trú tránh cho các thuyền viên vì yêu cầu tuyệt đối không để người trên tàu khi bão đổ bộ. Chúng tôi cũng cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn giúp dân chằng chống nhà cửa, phối hợp với địa phương khảo sát địa bàn xung yếu, kịp thời di dời dân vùng trũng, thấp, ngập đến nơi an toàn”.

Cũng theo Thiếu tá Đặng Văn Đạo, mấy tháng qua, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền về đảm bảo an toàn, TKCN cho ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, trong đó, chú trọng các nội dung phòng ngừa tai nạn đâm va trên biển, sơ cấp cứu y tế ban đầu, công tác phòng ngừa cháy nổ trên tàu, trang thiết bị thông tin liên lạc nhằm nâng cao nhận thức về an toàn hàng hải trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO