Biên phòng - Không chỉ có đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Tây Nguyên đang phải quay quắt ứng phó trước những cơn đại hạn, xâm nhập mặn, mà trong thời gian tới, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ phải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Thực tế này đang đòi hỏi cấp thiết có những giải pháp ứng phó kịp thời trước mắt và lâu dài.

Thực tế, lượng mưa năm 2019 chỉ đạt khoảng 70 - 80% so với lượng mưa hằng năm, nên hiện nay, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%; Tây Nguyên thiếu hụt từ 40-70%.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830-840 tỷ m3, nhưng có hơn 63% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài.
Với khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam, cộng với hơn 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ m3, Việt Nam hiện là quốc gia thiếu nước; nguồn nước nội sinh bình quân đầu người chỉ đạt 3.370m³/năm, thấp xa so với lượng nước trung bình của thế giới (7.400m³/người/năm). Trong khi đó, chỉ riêng lượng nước cho sản xuất nông nghiệp của chúng ta đã cần tới khoảng 125 tỷ m3 vào năm 2020.
Đó là chưa kể đến tình trạng phân bố nước về thời gian và không gian không đồng đều; nước bị nhiễm mặn hoặc bị ô nhiễm không sử dụng được. Do vậy, nhiều năm nay, tình trạng “khát nước” xảy ra ở nhiều nơi với mức độ ngày càng khắc nghiệt. Riêng đợt hạn, mặn vừa qua gây thiệt hại cho ĐBSCL hơn 40 nghìn ha lúa và khiến gần 100 nghìn hộ dân thiếu nước ngọt.
Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với thực trạng này. Đáng chú ý nhất là công tác lập quy hoạch tài nguyên nước 108 lưu vực sông, nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các mùa, vùng trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến quy hoạch tài nguyên nước ÐBSCL sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và trình phê duyệt vào đầu năm 2021.
Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ thực sự khả thi khi Việt Nam giải quyết ổn thỏa các vấn đề về tài nguyên nước hạ du các sông xuyên biên giới, nhất là sông Mekong, nơi chịu chi phối của 90% nguồn nước chảy từ nước khác vào. Hiện, 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đã hợp tác cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mekong theo Hiệp định Mekong năm 1995 và 6 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc đang tham gia tích cực Cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương, nhằm quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong và tăng cường hợp tác với các nước ven sông.
Song thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hợp tác với các nước ở cấp cao hơn trong việc tham gia Công ước về bảo vệ, sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới (Công ước Helsinki 1992) của Liên hợp quốc để thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt xuyên biên giới.
Để giải bài toán thiếu hụt nguồn nước, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là quản lý, trữ và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Trong đó, tài nguyên nước ngầm (chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị) cần được coi là nguồn dự trữ chiến lược và quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không dùng cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Nguồn nước mặt cần được phân chia ra các khu, tiểu vùng và có giải pháp trữ nước phù hợp với điều kiện tự nhiên. Từ đó mới xác định được cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, phân bổ cho các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả.
Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Do vậy, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Sử dụng nước tiết kiệm cũng chính là thể hiện trách nhiệm với thế hệ mai sau.
Thanh Thảo