Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Chủ động ứng phó đại hạn

Biên phòng - Mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa qua nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải đề nghị các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ chỉ gieo sạ hơn 1,63 triệu ha lúa đông xuân 2019-2020, giảm 55.486ha. Cơ quan này cũng khuyến nghị các địa phương chỉ sản xuất lúa ở những vùng có đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, hoặc tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa, nhằm tránh thiệt hại.

thuhoachlua
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+

Cảnh báo trên xuất phát từ thực tế đỉnh lũ năm nay trên sông Tiền, sông Hậu ở mức báo động 1, nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông từ đầu mùa lũ thấp hơn 20-25% so với trung bình nhiều năm, mực nước các trạm khu vực Thượng và Trung Lào cũng thấp; dung tích trữ ở Biển Hồ (Campuchia) thấp hơn cùng kỳ đến 13 tỷ m3. Trong khi đó, dung tích trữ của Biển Hồ là yếu tố quyết định đến việc điều tiết nước về ĐBSCL trong mùa khô.

Theo dự báo, từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020, tổng lượng mưa trên toàn quốc sẽ thấp hơn mức trung bình nhiều năm nên lượng nước thiếu hụt ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ so với trung bình nhiều năm có thể từ 20-50%. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 sẽ diễn ra sớm và nặng hơn; khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhiều vùng trên cả nước.

Trước những thông tin rất đáng lo ngại trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn, thiếu nước phù hợp để bảo đảm nguồn nước sản xuất và an sinh xã hội khi vào cao điểm mùa khô.

Nhiều địa phương ngay từ thời điểm này đã chủ động nạo vét kênh mương, trữ nước ngọt, đắp đập ngăn mặn..., sẵn sàng ứng phó với thời điểm xâm nhập mặn. Thế nhưng không ít địa phương vẫn chủ quan, thờ ơ trước tình hình thiên tai sẽ diễn biến khốc liệt, khó lường sắp tới.

Ngay tại các vùng được xác định là trọng điểm hạn mặn như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang..., cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn chưa xây dựng các giải pháp thủy lợi phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với lý do... thiếu kinh phí. Thậm chí, có địa phương không quan tâm theo dõi nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, để có kế hoạch phân phối nước đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước thiếu hụt như yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Các nhà khoa học đánh giá cao phương án giảm 55.486ha lúa vụ đông xuân tới nhằm “né” hạn mặn, điều này hợp lý trong điều kiện giá lúa thấp, để chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản cho lợi nhuận cao hơn, đồng thời tiết kiệm nguồn nước tưới.

Do vậy, các địa phương vùng hạn mặn cần nhanh chóng cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, không gieo trồng ở vùng không bảo đảm nguồn nước; đặc biệt khuyến khích nông dân chuyển đổi từ lúa sang các loại cây con khác, hoặc gieo sạ sớm và sử dụng giống ngắn ngày nhằm thích ứng với tình hình thời tiết.

Cấp bách nhất hiện nay đối với các địa phương ven biển ĐBSCL là phải khẩn trương đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình tích trữ nước ngọt để đảm bảo nước sinh hoạt cho 52.700 hộ dân dự báo bị thiếu nước trong mùa khô tới.

Nhìn một cách tổng quan, Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NĐ- CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết này sẽ giúp xác định rõ quy hoạch những vùng nào, cách làm nào và làm thế nào để hỗ trợ người dân có thể khai thác tốt tiềm năng của ĐBSCL trong điều kiện thời tiết, khí hậu cực đoan và biến đổi khí hậu.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO