Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 09:20 GMT+7

Chủ động ứng phó bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ”

Biên phòng - Để chủ động ứng phó với bão số 3, chiều 31-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành địa phương, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

pv4y-1a-w550
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đồ Sơn, BĐBP Hải Phòng giúp bà con ngư dân trên địa bàn neo đậu tàu thuyền vào nơi trú, tránh bão an toàn tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: Quang Long

Cụ thể, đối với khu vực trên biển, tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch trên các đảo. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển.

Đối với khu vực ven biển, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông suối, khu khai thác khoáng sản; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho mọi người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Đối với khu vực miền núi, trung du: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.

Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu dang thi công, sửa chữa và việc vận hành các hồ thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định…

Đặc biệt, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ rõ nhiệm vụ từng bộ, ban, ngành, như sau: Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc p hục ngay khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp  bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều… Bộ Công thương chỉ đảo an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, hoạt dộng thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp… Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó…

 

 

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO