Biên phòng - Hàng năm, khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình thường phải gánh chịu nhiều đợt mưa bão, lũ lụt đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Trước mùa mưa bão năm 2022, BĐBP Quảng Bình đang chủ động triển khai các biện pháp, phương án để cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thiên tai diễn biến khó lường
Cùng như nhiều địa phương khác ở miền Trung, tỉnh Quảng Bình có cả đường biên giới biển và đường biên giới trên đất liền dài, dân cư sinh sống đông đúc. Khu vực biên giới đất liền địa hình rừng núi, độ dốc cao, hiểm trở, người dân định cư chủ yếu ở triền núi và dọc các khe suối, tiềm ẩn nguy cơ bị chia cắt, lũ quét, sạt lở đất khi mùa mưa bão đến. Trong khi đó, tuyến biên giới biển của Quảng Bình có 5 cửa sông lớn nhưng đang bị bồi đắp, khiến cho các phương tiện vận tải biển và tàu thuyền ngư dân ra vào gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tai nạn. Khu vực dân cư ven bờ biển tỉnh Quảng Bình chủ yếu có địa hình thấp, không có các đảo che chắn, thường chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ.
Những năm gần đây, địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và khu vực biên giới, vùng biển nói riêng phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai lớn. Có những năm, địa phương phải gánh chịu liên tiếp 3-4 cơn bão và các đợt mưa lũ chồng lên nhau. Trước thực tế đó, trong những năm qua, BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quân số, phương tiện, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Chỉ tính trong năm 2021, các đơn vị BĐBP Quảng Bình đã kêu gọi 3.198 tàu/20.497 lao động đang khai thác trên biển di chuyển vào bờ hoặc tránh ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới. Các đồn Biên phòng tuyến biển bố trí 12 tổ/63 cán bộ, chiến sĩ/12 ca nô tuyên truyền, hướng dẫn cho gần 6.000 lượt tàu cá và 93 lượt tàu vận tải neo đậu, đảm bảo an toàn tại các khu vực quy định. BĐBP Quảng Bình cũng thông báo cho các lực lượng hiệp đồng và kêu gọi ngư dân tham gia hỗ trợ, lai dắt 8 tàu/56 ngư dân bị sự cố khi khai thác hải sản trên biển vào bờ an toàn; các đơn vị cơ sở đã điều động 280 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ ngư dân cứu kéo 19 tàu bị mắc cạn vào vị trí an toàn, hỗ trợ chăm sóc y tế cho 90 ngư dân bị nạn trên biển...
Chủ động trước mùa mưa bão
Năm 2022, khu vực miền Trung, trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Bình được dự báo sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều đợt mưa, bão lớn. Do đó, trên cơ sở chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, bám sát tình hình thực tế, từ đầu năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và triển khai cho các cơ quan và đơn vị thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, BĐBP Quảng Bình chú trọng bổ sung và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Theo đó, từ kinh nghiệm của những năm trước, BĐBP Quảng Bình đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các đồng chí là chỉ huy, cán bộ các đơn vị về quy trình xử lý vụ việc ứng phó sự cố, thiên tai sát với tình hình thực tế, địa bàn. Ngoài đội ngũ chuyên trách, các đơn vị lựa chọn cán bộ đủ khả năng để tập huấn tính năng điều khiển, bảo quản và sửa chữa hỏng hóc thông thường các thiết bị như ca nô ST450, ST660 để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trên biển, trên sông...
Một trong những nội dung được BĐBP Quảng Bình đề cao là duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực quân số, phương tiện theo quy định trước các đợt thiên tai. Hiện nay, các đơn vị đều lập các tổ, đội xung kích, sẵn sàng cùng chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đặc biệt, để chủ động trước các tình huống, BĐBP Quảng Bình thường xuyên kiểm tra và phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ngành liên quan rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ quét, ngập lụt, sạt lở... Từ đó, xây dựng phương án, kịch bản di chuyển nhân dân đến nơi an toàn. Các đồn Biên phòng chủ động và tham mưu cho chính quyền địa phương bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc y tế để sẵn sàng hỗ trợ đồng bào ở các vùng dễ bị chia cắt, cô lập dài ngày khi mùa mưa lũ đến. BĐBP Quảng Bình cũng phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân trên biên giới, vùng biển kỹ năng, phương án chủ động ứng phó với thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, các đồn Biên phòng đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” cho hàng nghìn người dân; tổ chức tuyên truyền 12 buổi trên hệ thống loa truyền thanh các xã; tuyên truyền lưu động 14 buổi/56 cán bộ, chiến sĩ tham gia, kết hợp phát 520 tờ rơi cho nhân dân ở vùng có nguy cơ ngập, lụt, sạt lở đất đá và ngư dân tham gia khai thác hải sản trên biển.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi xác định rõ công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của BĐBP. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có các phương án cụ thể, sẵn sàng triển khai vào thực tế khi có tình huống xảy ra. Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình sẽ làm hết sức mình, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân khi mùa mưa bão năm 2022 đang đến gần”.
Viết Lam