Biên phòng - Gần đây, số ca mắc dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận bình quân khoảng 1.800 ca mắc mới mỗi ngày.

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 gia tăng do biến thể phụ Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện được hơn 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới, chiếm ưu thế và có đặc tính lây lan nhanh. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.
Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng với đó, việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch tăng rất cao cũng làm gia tăng sự giao tiếp, tiếp xúc tạo điều kiện cho virus lây lan.
Đáng lưu ý, dù hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ bao phủ rất cao vaccine Covid-19 (100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản) nhưng cũng vì thế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như: lơ là đeo khẩu trang, khử khuẩn, tụ tập đông người… làm gia tăng sự lây nhiễm. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn, nhất là với đối tượng nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định tình hình dịch Covid-19 trong nước đang được kiểm soát tốt khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới nên giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua 110 ngày không ghi nhận ca tử vong. Dù số ca mắc có gia tăng nhưng khả năng dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng mạnh như đợt dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam năm 2021 là khó xảy ra.
Đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vaccine, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc) thì tất cả yếu tố đều là màu xanh - an toàn và không vượt qua cấp độ 1.
Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát, nhưng trước các yếu tố nguy cơ trên đòi hỏi chúng ta không được phép chủ quan, lơ là, cũng không quá hoang mang, lo lắng mà cần bình tĩnh, chủ động chuẩn bị để đáp ứng kịp thời với các tình huống của dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khuyến cáo thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Để phòng ngừa dịch Covid-19, đòi hỏi các địa phương, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, trong đó đẩy mạnh rà soát cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Ngành y tế cần đánh giá lại nguy cơ của Covid-19, nhất là sự xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không. Từ đó có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã, phường, khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng, không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Sắp tới là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dài ngày, nhu cầu đi lại, giao lưu, du lịch tăng cao nên người dân và cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh trong toàn dân về lợi ích của việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 góp phần chặn đứng đợt dịch này.
Thanh Thảo