Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 12:46 GMT+7

Chủ động phương án ứng phó khủng hoảng thiên tai và dịch bệnh

Biên phòng - Công tác phòng, chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ điều này, từ đầu năm 2021, các đơn vị BĐBP đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó trong tình huống xảy ra khủng hoảng “kép” thiên tai và dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình tập huấn các phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh: CTV

Sẵn sàng lực lượng ứng phó thiên tai trong dịch bệnh

Hiểu rõ mức độ nguy hiểm và hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình luôn coi nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, từ đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình cho biết: “Trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, BĐBP Quảng Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, TKCN một cách quyết liệt, cụ thể sát với diễn biến thời tiết và dịch bệnh. Trước mùa mưa bão, chúng tôi tiến hành tổ chức tập huấn cho chỉ huy, cán bộ các đơn vị về quy trình xử lý vụ việc ứng phó sự cố thiên tai; tính năng kỹ thuật; cách sửa chữa hỏng hóc thông thường; hạ thủy, lắp ghép máy đẩy đối với ca nô và thực hành lái ca nô ST450, ST660 TKCN trên biển, trên sông... Các đơn vị cũng tổ chức huấn luyện các nội dung: Bơi cứu người và phương pháp cấp cứu người bị nạn; cách sử dụng áo phao, phao cứu sinh; trang bị chữa cháy và xử lý một số tình huống cháy; phương pháp di chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ...”.

Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình còn lập danh sách các lực lượng phải huy động để phòng chống thiên tai trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Chủ động tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, tăng cường chằng chống nhà cửa trong mùa mưa bão; đồng thời xây dựng phương án di chuyển người, vũ khí trang bị, vật chất ra khỏi khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi cũng có phương án đảm bảo an toàn cho các tổ, chốt khi vào mùa mưa bão. Tiến hành kiểm tra, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường về địa chất ở các vị trí đóng quân, các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới; nhất là các đơn vị, tổ, chốt đứng chân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, sụt lún... để chủ động di chuyển đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài liệu, vũ khí, trang bị” - Đại tá Trịnh Thanh Bình cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát các khu neo đậu tàu thuyền, có phương án sắp xếp neo đậu cụ thể khi xảy ra mưa bão, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến kè ven biển.

Tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn

Đứng chân trên địa bàn thường xuyên gánh chịu nhiều loại hình thiên tai, BĐBP Thừa Thiên Huế luôn xác định tinh thần không chủ quan, lơ là trước thiên tai. Công tác phòng chống thiên tai năm 2021 được BĐBP Thừa Thiên Huế chuẩn bị rất kỹ từ đầu năm với việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai. Đồng thời, khảo sát, đánh giá địa chất và các nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng hoặc cháy nổ tại các vị trí đóng quân của đơn vị, đặc biệt là các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới, tổ đội công tác tại các địa bàn để xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục, gia cố hoặc kịp thời di dời đơn vị đến vị trí an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: CTV

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-TKCN các cấp, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên rà soát quy chế hoạt động. Bên cạnh đó, BĐBP Thừa Thiên Huế sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng trọng điểm để triển khai ứng phó kịp thời. Theo đó, các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế duy trì thường xuyên 720 cán bộ, chiến sĩ, 46 phương tiện, 1.200 phao áo cứu sinh, 740 phao tròn, 120 phao bè, 46 nhà bạt... sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống.

Nhằm nâng cao năng lực TKCN, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp cứu vớt người trên biển, tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền; lái xuồng trong luồng thủy hẹp; tổ chức rời, cặp bến cảng, nhổ neo. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền. Kiên quyết không cho các tàu cá hết hạn đăng kiểm; không đủ điều kiện an toàn; thuyền trưởng, máy trưởng thiếu chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ ra khơi.

Các đồn Biên phòng tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để chủ động ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là trong trường hợp chi viện từ bên ngoài không kịp thời do chia cắt hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh.

Củng cố đội cứu nạn trên vùng biển xa

Năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã phải hứng chịu hậu quả thảm khốc do “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”. Trong đợt mưa lũ lịch sử đó, BĐBP Quảng Trị đã khẳng định được vai trò xung kích, nòng cốt trong TKCN. Từ kinh nghiệm thực tế, với phương châm “phòng là chính”, BĐBP Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị diễn tập tình huống cứu người bị nạn trên biển. Ảnh: Minh Khánh

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức điều tra cơ bản các địa bàn xung yếu về thiên tai để điều chỉnh, bổ sung lại kế hoạch phòng chống cho phù hợp thực tế. Điều động lực lượng, phương tiện, trang bị thiết bị, phao cứu sinh, nhà bạt tăng cường cho các địa bàn trọng điểm để khi có tình huống xảy ra thì xử lý được ngay. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng cấp phát máy thông tin cơ động cho các đơn vị ở địa bàn dễ bị chia cắt, cô lập để khi xảy ra thiên tai có thể thông tin ra bên ngoài, phục vụ công tác chỉ huy TKCN. Đồng thời, xây dựng các phương án phối hợp hiệp đồng với Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 2, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, cơ quan viễn thông để chia sẻ thông tin phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai-TKCN”.

Cùng với các công việc trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn đội cứu hộ, cứu nạn trên các vùng biển xa; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc để phục vụ bộ đội và cứu trợ người dân khi bị chia cắt, cô lập. Nhằm nâng cao trình độ điều hành, xử lý các tình huống TKCN trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tổ chức huấn luyện sử dụng các trang bị cứu hộ, cứu nạn tàu; vận hành, điều khiển tàu, xuồng, ca nô trong các tình huống TKCN.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO