Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 10:50 GMT+7

Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng

Biên phòng - Trước đợt nắng nóng kéo dài và xảy ra trên diện rộng, nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, Tổng cục Lâm nghiệp vừa có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành trong cả nước về việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Một điều đáng nói là ngoài nguyên nhân cháy rừng do thiên tai thì phải kể đến một số nguyên nhân khác do chính con người gây ra, như người dân thiếu ý thức trong việc đốt rừng làm nương, rẫy hay sử dụng lửa bất cẩn.

lmq1_16b
Lực lượng BĐBP Khánh Hòa tích cực tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: Dạ Ngân

Nguy cơ tiềm ẩn nhiều nơi

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có hơn 400 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 800ha rừng trồng các loại. Nguyên nhân hàng đầu là do người dân ở một số nơi đốt lửa làm nương rẫy để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; đốt thực bì, cỏ khô, rơm rạ gần rừng gây cháy rừng...

Hiện nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào những tháng cao điểm nắng nóng, với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C, nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao. Đơn cử, vào khoảng 9 giờ, ngày 17-5, người dân thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phát hiện ngọn lửa bốc cháy dữ dội tại khu rừng phòng hộ trồng cây dương liễu chắn cát ven biển; sau đó ngọn lửa lan nhanh ra khu vực rừng xung quanh. Người dân đã tìm mọi cách nhanh chóng dập lửa. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ cùng ngày, ngọn lửa bùng phát trở lại, người dân và chính quyền địa phương đã thông báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Quảng Nam.

Nhận được tin báo, hai xe cứu hỏa và hàng chục cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã có mặt kịp thời tại hiện trường, dùng vòi nước dập lửa. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, đám cháy mới được khống chế  hoàn toàn. Diện tích rừng phòng hộ bị cháy khoảng hơn 500m2. Đây là rừng cây dương liễu được trồng cách đây 20 năm, do người dân quản lý. Nguyên nhân là do người dân sử dụng lửa bất cẩn, vứt tàn thuốc lá đang cháy xuống thảm thực bì dẫn đến cháy rừng.

Tại một số khu vực giáp ranh giữa các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, có được những khu rừng nhiều năm tuổi là điều không dễ với vùng đất khô hạn khắc nghiệt này. Nhưng nhiều năm qua, rừng cứ mất dần và thay vào đó là đất rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Với người dân nơi đây, việc đầu tiên trong làm rẫy là phải đốt rẫy ngay lúc trời nắng nóng để sau đó khi mưa xuống sẽ gieo trồng. Điều đáng lo ngại, rẫy canh tác của người dân lại nằm đan xen với những khoảnh rừng. Không ai dám chắc khi đốt rẫy, lửa sẽ không lan sang rừng khi trời nắng nóng gió thổi mạnh.

Ngoài nguyên nhân chính là do ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của người dân còn hạn chế, thì khó khăn trong công tác này là lực lượng mỏng, trang thiết bị lạc hậu, thô sơ. Một cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Khi xảy ra cháy rừng, với địa hình có độ dốc quá lớn, lực lượng chức năng PCCCR lại mỏng, trang bị thô sơ thì khó có thể ứng cứu, chữa cháy kịp thời. Vì vậy, chúng tôi phải huy động lực lượng tại chỗ, gồm chính quyền thôn, xã hoặc chủ rừng để chữa cháy trong khi chờ ban chỉ huy cấp trên hỗ trợ ứng cứu”.

Chủ động phòng chống cháy rừng tại chỗ

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, mùa khô 2017-2018, trên địa bàn các tỉnh này có khoảng hơn 2 triệu ha rừng; trong đó có hơn 800 nghìn ha rừng tự nhiên và gần 300 nghìn ha rừng trồng có nguy cơ cháy cao...

Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo về bảo vệ và PCCCR ở cả 3 cấp; thực hiện diễn tập PCCCR quy mô cấp huyện, tỉnh với phương châm "4 tại chỗ" nhằm xử lý kịp thời khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Các Chi cục Kiểm lâm thuộc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và thông tin cấp cháy rừng kịp thời để các cấp, ngành, đơn vị, chủ rừng chủ động PCCCR hiệu quả. Lực lượng Kiểm lâm cần tổ chức đặt các biển cấm lửa, biển báo báo hiệu cấp cháy rừng, quy ước bảo vệ rừng tại các khu vực thuộc vùng trọng điểm rừng dễ cháy, nơi đông người qua lại, dọc đường giao thông, tiếp giáp với nương rẫy để nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm nội quy, quy ước PCCCR ở địa phương.   

Với các hộ dân, chủ rừng, khi xử lý thực bì phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCCR và báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát. Cơ quan Kiểm lâm cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm các quận, huyện tăng cường công tác theo dõi, phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời tham mưu UBND xã, phường huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi có sự cố cháy rừng, không để cháy lớn, cháy lan.

Ngoài ra, BĐBP các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang tích cực phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho UBND các xã biên giới triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Theo đó, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; các chủ rừng chủ động bố trí lực lượng tuần tra, phát hiện và khống chế kịp thời các điểm cháy trong mùa nắng nóng; các xã có diện tích rừng tự nhiên lớn phải chủ động kế hoạch kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản; săn bắt động vật hoang dã; đào đãi vàng sa khoáng trái phép... Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCCCR đến với người dân các địa phương nơi đơn vị đóng quân.

Mặt khác, lực lượng BĐBP còn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn biên giới tổ chức ký cam kết với các đơn vị, tổ chức, cá nhân... có các công trình ảnh hưởng đến tài nguyên rừng để hạn chế mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng; triển khai nhanh các phương án PCCCR khi có cháy xảy ra.

Dạ Ngân

Bình luận

ZALO