Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 04:44 GMT+7

Chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu

Biên phòng - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Bạch hầu diễn ra tại một số tỉnh Tây Nguyên, cùng với chính quyền địa phương, ngành y tế, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng bệnh Bạch hầu từ xa. Các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đang tích cực cùng với nhân dân thực hiện phương châm “Không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn và đơn vị”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch Covid-19 và bệnh Bạch hầu. Ảnh: Ngọc Lân

Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk gồm 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp do nhận thức của người dân còn hạn chế và việc tiếp cận với dịch vụ y tế không thuận lợi. Chính vì thế, đây là địa bàn được xem là “vùng lõm” trong tiêm chủng, một trong những nguyên nhân dễ bùng phát dịch bệnh. Trước tình hình trên, cùng với ngành y tế, chính quyền địa phương, BĐBP Đắk Lắk đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bệnh Bạch hầu từ xa. Trong đó, biện pháp tuyên truyền hướng dẫn, nâng cao nhận thức người dân cách phòng bệnh được xác định là then chốt.

Hiện nay, mặc dù là giai đoạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong BĐBP Đắk Lắk đang triển khai thực hiện song hành nhiều nhiệm vụ, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa triển khai phòng, chống dịch Covid-19, nhưng các đơn vị vẫn triển khai lực lượng xuống địa bàn phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức phòng, chống bệnh Bạch hầu cho nhân dân trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Nhằm chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã có điện chỉ đạo đến các đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động triển khai các biện pháp phòng bệnh Bạch hầu cho nhân dân trên địa bàn và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”.

Theo đó, điện chỉ đạo nêu rõ: Các đơn vị chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, tiến hành cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để nếu phát hiện ca bệnh, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Đồng thời, quân y tại các trạm quân dân y kết hợp và cán bộ, chiến sĩ đội công tác địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân dịch bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu, đặc biệt, khuyến cáo người dân không đi đến vùng đang có dịch.

Đặc biệt, phối hợp với địa phương tiến hành rà soát các đối tượng trong diện tiêm chủng; thông báo thời gian, địa điểm, nội dung tiêm qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hoặc thông báo trực tiếp đến các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng để thực hiện tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Ngoài ra, để kịp thời trao đổi thông tin về bệnh Bạch hầu, cũng như đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, Phòng Hậu cần, BĐBP Đắk Lắk đã thiết lập trang Zalo “QYBĐBP Đắk Lắk”. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ, quân y các đơn vị và người dân trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ động có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là địa chỉ cung cấp tài liệu tập huấn cho lực lượng quân y về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Theo Thượng tá Âu Chiến Thắng, Chủ nhiệm Quân y BĐBP Đắk Lắk, gần đây, bệnh Bạch hầu được phát hiện với ca bệnh thường ở người lớn, bởi đó là lứa tuổi chưa được tiêm chủng. Với trẻ nhỏ, số mắc Bạch hầu hiện khá hiếm gặp sau nhiều năm trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ luôn duy trì với tỷ lệ cao trên cả nước. Tuy nhiên, không nên chủ quan, bởi căn bệnh này chưa được thanh toán, vi khuẩn vẫn lưu hành khá rộng rãi và đặc biệt, người lành mang trùng (người mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh) vẫn là nguồn lây trong cộng đồng. Nếu không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ vẫn có nguy cơ mắc Bạch hầu.

Để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu ở trẻ em, ngành y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu, bệnh nhân cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thượng tá Âu Chiến Thắng cho biết: Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn tuổi nếu người đó không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi; có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO