Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 03:44 GMT+7

Chủ động nguồn cung

Biên phòng - Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 250,8 tỷ USD, nhưng lượng hàng nhập khẩu cũng lên tới 246,84 tỷ USD (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%. Theo Bộ Công thương, sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhập khẩu đầu vào tăng cao và sẽ còn gia tăng mạnh trong các tháng cuối năm.

Doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất. Ảnh: minh họa

Mặc dù, cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến nay vẫn xuất siêu 3,96 tỷ USD nhưng rõ ràng doanh nghiệp trong nước phụ thuộc lớn nguồn nguyên - nhiên - vật liệu nhập ngoại cũng như phải đối mặt với giá nhập khẩu tăng cao và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cải thiện, tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất.

Trước tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, để tránh tác động tiêu cực do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, đòi hỏi các ngành, lĩnh vực kinh tế sớm nghiên cứu các giải pháp giảm phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập ngoại. Theo đó, chủ động sản xuất các nguyên liệu đầu vào mà trong nước có thể cung ứng được, như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… Đồng thời, cần đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc một vài nguồn cung.

Thực tế, đại dịch Covid-19 tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy mạnh hơn xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ lợi thế chi phí lao động rẻ và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang trở thành điểm đến của các doanh nghiệp FDI, cũng như làn sóng dịch chuyển nhà máy, công xưởng của các tập đoàn lớn tới Việt Nam.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, các tập đoàn quốc tế sẽ điều chỉnh lại tỷ trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chỉ còn chiếm khoảng 45-50%, đồng thời di dời 15-20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng dự báo, làn sóng dịch chuyển đầu tư về dệt may vào Việt Nam từ nay đến năm 2025 sẽ tăng mạnh trên 20%.

Đây rõ ràng là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn FDI cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày, điện tử, phụ tùng, máy móc, thiết bị… ngay trong nước, từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong cuộc đua nắm bắt chuỗi cung ứng dịch chuyển này, Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng đang nỗ lực thu hút dòng vốn FDI về nước mình.

Một tín hiệu khả quan là trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao..., vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm vào Việt Nam vẫn đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD. Tính lũy kế đến ngày 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các chuỗi cung ứng, các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị, Chính phủ cần linh động điều chỉnh về chính sách, tăng cường tiềm lực quốc gia, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông và logistics hiện đại...

Cùng với tái cơ cấu bền vững nền kinh tế, cần tập trung tái cấu trúc các ngành công nghiệp phụ trợ, giảm hoạt động gia công xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy hết cơ hội mà các FTA mang lại, từ đó thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ giúp sản xuất nội địa có thể chủ động về nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Mặt khác, Chính phủ cần chú trọng sàng lọc các dự án đầu tư, chỉ ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, khuyến khích các dự án có liên kết với công ty trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; ngăn chặn tình trạng chuyển giao công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu cho môi trường.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO