Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 10:19 GMT+7

Chủ động ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm qua biên giới

Biên phòng - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có chiều hướng lây lan nhanh, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã và đang tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới. Đặc biệt, các đồn Biên phòng tổ chức nhiều điểm chốt tại các tuyến đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, nhập lậu lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam.

fze1_7a
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn kiểm tra chặt chẽ người, hàng hóa qua lại khu vực biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Lạng Sơn là một trong những tỉnh có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở tiếp giáp với Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm DTLCP qua biên giới thông qua việc vận chuyển, nhập lậu lợn và lưu hành các sản phẩm từ thịt lợn bị nhiễm bệnh là rất cao. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, du lịch, đặc biệt là cư dân biên giới vận chuyển lợn và tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn có nguy cơ lây nhiễm DTLCP từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn từ biên giới, BĐBP Lạng Sơn cũng tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, đồng thời lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các đồn Biên phòng còn tổ chức tuyên truyền về sự nguy hiểm của DTLCP để nhân dân biết được tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu, từ đó không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua khu vực biên giới.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách khống chế DTLCP, diễn ra ngày 4-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân ở khu vực biên giới. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đại tá Tạ Văn Khoa, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lạng Sơn cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc qua biên giới”.

Để thực hiện tốt biện pháp ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm qua biên giới, BĐBP Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa bàn để xác định các đối tượng đầu nậu, nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả.

Bên cạnh đó, BĐBP Lạng Sơn tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương, nhất là các địa bàn giáp biên giới đẩy mạnh tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, từng người dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa lây lan dịch bệnh, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Tại tỉnh Quảng Ninh, với đặc thù là tỉnh có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương với Trung Quốc nên hoạt động giao thương các mặt hàng, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm từ thịt lợn diễn ra rất sôi động. Hơn nữa, thực phẩm cung cấp cho người dân trên địa bàn cũng được vận chuyển đến từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, những nơi đang có DTLCP.

Do vậy, ngày 3-3-2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các vị trí cửa ngõ giao thông quan trọng, hoạt động 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn qua địa bàn. Khi phát hiện việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành khử trùng, tiêu độc và xử lý theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, BĐBP Quảng Ninh cũng đã xây dựng, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ thịt lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, tăng cường phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương, với tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con.

Tại địa bàn biên giới Cao Bằng, hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới tăng mạnh sau Tết Nguyên đán nên có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh DTLCP. Vì vậy, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, các cơ quan chuyên môn chủ động thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng chống dịch bệnh tại các địa bàn có nguy cơ cao.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch từ tỉnh tới cơ sở.

BĐBP Cao Bằng cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp cùng lực lượng các ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các cửa khẩu, đường mòn, lối mở để ngăn chặn việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu vào Việt Nam. Bên cạnh việc kiểm soát ở mọi tuyến cửa khẩu, BĐBP Cao Bằng còn tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu lợn, các sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc đề phòng DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO