Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 04:11 GMT+7

Chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm qua biên giới

Biên phòng - Từ đầu năm đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 460 bệnh nhân mắc virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên giới nước ta. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, dẫn đến nguy cơ cao dịch cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát dịch; đặc biệt, trong bối cảnh dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm trong nước đang có diễn biến phức tạp.

kw45_5a
Cán bộ Đồn BPCK Chi Ma, BĐBP tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Chi cục Hải quan Chi Ma kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa qua khu vực biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Riêng tuần từ 15-2 đến 22-2 năm nay, tại Trung Quốc có đến 56 ca mắc virus cúm A/H7N9 mới, tập trung ở tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp ranh biên giới Việt Nam. Từ tháng 10-2016, dịch cúm A/H7N9 tăng mạnh, tạo thành đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số ca bệnh và tốc độ lây lan tại Trung Quốc, nâng tổng số trường hợp mắc lên 1.292 bệnh nhân, gây tử vong 435 bệnh nhân do cúm A/H7N9 được ghi nhận từ năm 2013 đến nay. WHO cảnh báo đã có sự thay đổi của chủng virus này từ độc lực thấp lên độc lực cao trên gia cầm khi phân tích gen virus cúm A/H7N9 ở 2 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại Quảng Đông và bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại Đài Loan.

Tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 có diễn biến phức tạp. Trong năm 2016, dịch chỉ xuất hiện ở 3 tỉnh, thành thì từ đầu năm đến nay, dịch đã tiếp tục xảy ra ở 7 tỉnh, thành phố. Theo Cục Thú y, Bộ Y tế thì đến ngày 3-4-2017, dịch cúm A/H5N1 còn tại 4 tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Vĩnh Long và cúm A/H5N6 còn tại tỉnh Quảng Trị. Ổ dịch tại 5 tỉnh trên đều chưa qua 21 ngày. Việc chăn nuôi gia cầm theo quy mô nhỏ lẻ như nước ta hiện nay làm nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 và lây cúm A/H5N1 sang người rất cao.

Theo nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, trên 90% các trường hợp mắc cúm A/H7N9 ở người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống, sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm, hoặc đi lại ở chợ gia cầm sống. Hầu hết gia cầm nhiễm virus đều không có biểu hiện bệnh nhưng lại có khả năng lây bệnh cho người. Người có thể mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của gia cầm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn thịt và các sản phẩm gia cầm không được nấu chín kỹ hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm virus cúm A/H7N9. Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc lây truyền từ người sang người. Bệnh diễn biến nặng, tỉ lệ tử vong cao khoảng 40%.

Trong thời gian vừa qua, nước ta đã tập trung khống chế thành công cúm A/H5N1 lây truyền sang người và ngăn chặn được sự xâm nhập của cúm A/H7N9, bằng việc tập trung triển khai tích cực các hoạt động phòng chống, củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc. Tại các Trung tâm cúm quốc gia, Việt Nam đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virus cúm gia cầm bao gồm cả cúm A/H7N9, A/H5N1, A/H5N6. Đồng thời có thể giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của virus. Mặt khác, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã giám sát trên 900.000 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn và không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải tích cực, chủ động để ngăn chặn sự xâm nhập virus cúm gia cầm vào nước ta và triển khai các biện pháp phòng chống chủ động việc lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cần thực hiện tốt việc không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Bên cạnh đó, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, người dân nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch, đặc biệt là các trang trại nuôi gia cầm, khu vực giết mổ và các khu vực được thông báo có nhiễm virus A/H7N9 ở môi trường. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Về phía BĐBP, Đại tá Nguyễn Trung Long, Trưởng phòng Quân y BĐBP, cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp trên chỉ đạo BĐBP các tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn không cho dịch lây lan từ Trung Quốc sang Việt Nam và phòng hộ cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng trực tiếp làm nhiệm vụ ở biên giới thường tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành để kiểm soát biên giới; xây dựng phương án xử lí khi có người ốm từ biên giới trở về, xử lý khi phát hiện bệnh phẩm gia cầm..

Thùy Trang

Bình luận

ZALO