Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Chủ động nắm bắt thị trường

Biên phòng - So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước tăng 11%. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: Minh họa

Theo chuyên gia kinh tế, mặc dù, xuất khẩu trong tháng 3 có những tín hiệu khởi sắc, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Nhìn vào cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm xuất siêu 2,82 tỷ USD, chúng ta chưa thể lạc quan, bởi xuất siêu do lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 16%.

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam, tư liệu sản xuất ước chiếm trên 90% bao gồm: máy móc, thiết bị; dụng cụ, phụ tùng; nguyên, nhiên, vật liệu. Nhu cầu nhập khẩu tu liệu sản xuất giảm phản ánh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong nước do nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái.

Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đang trogn giai đoạn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, điện tử sụt giảm mạnh đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Do các nền kinh tế lớn vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đang suy thoái. Thị trường Trung Quốc mới chấm dứt chính sách zero-Covid, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch Covid-19 cũng còn diễn biến khó lường.

Đáng lo ngại là những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao khiến giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Trong khi lạm phát tăng cao trên toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn, nhu cầu tiêu dùng thấp, nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử…

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương khẳng định, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn có những thuận lợi nhất định. Vì Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có độ mở lớn; Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.

Đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam nếu các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác lợi thế từ các FTA.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, thay vì tập trung thị trường truyền thống thì các DN buộc phải nắm bắt tốt tín hiệu thị trường khai thác các thị trường mới, thị trường ngách để có đơn hàng sản xuất mới.

Các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị, kết quả tận dụng FTA đang rất tốt nhưng tính chủ động của DN Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới. Yêu cầu đặt ra với DN phải tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi cũng như thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư như điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, lao động, cũng như xuất xứ trong sản phẩm...

Đồng thời, các DN tiếp tục chuyển đổi phương thức sản xuất, “xanh hóa” sản xuất, bảo vệ môi trường; thúc đẩy quản trị số, tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng, đa dạng mặt hàng… để hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.

Thiết nghĩ, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay hoàn toàn khả thi khi các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu thành công trong việc tìm đối tác mới, thị trường mới và đa dạng mặt hàng xuất khẩu.

Muốn vậy, Bộ Công thương cần tích cực hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO