Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Chủ động đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch

Biên phòng - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ảnh: minh họa

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đang tràn đầy niềm phấn khởi, háo hức hướng đến ngày hội lớn để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm chính trị đối với sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, đi ngược lại với tinh thần đó, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lại tỏ rõ thái độ hằn học, chống đối và xem đây là “cơ hội” để chống phá. Họ tung lên các trang mạng đủ loại thông tin xuyên tạc, phát tán nhiều tài liệu kích động phản đối về bầu cử Quốc hội và cho đó chỉ là “hình thức”. Họ lu loa rằng: “Việt Nam không có dân cử, dân bầu, chỉ có Đảng cử, Đảng bầu”; rằng ngoài “vài” người được Đảng lựa chọn “ngầm”, hầu hết những người tự ứng cử bị “loại bỏ một cách không thương tiếc”, “loại bỏ ngay từ vòng gửi xe”. Không những thế, họ còn kêu gọi các nhà “dân chủ” hãy “tự ứng cử” vào Quốc hội, “hãy tập hợp thành từng nhóm để giám sát quá trình bầu cử” và hô hào “ký tên” tung hô, ủng hộ cho người này, người kia...

Thực tế cho thấy, tất cả những điều họ tung trên mạng không có gì khác ngoài việc xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta nói chung, Hiến pháp, pháp luật, quy chế bầu cử của Nhà nước ta nói riêng. Mục tiêu cụ thể của họ là làm nhiễu loạn cuộc bầu cử sắp tới, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Họ thừa hiểu rằng, quyền tự do ứng cử ĐBQH đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được tôn trọng ở nước ta.

Việc ứng cử, đề cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp được thực hiện một cách chặt chẽ theo quy chế bầu cử, tiêu chí về phẩm chất, năng lực cán bộ của Đảng, yêu cầu hoạt động của Quốc hội và được tiến hành từ cơ sở thông qua các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương; không một ai có thể tự tiện ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân như họ từng rêu rao. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện theo một quy trình thống nhất, trong đó, phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp theo đúng quy định của pháp luật.

Nhìn lại việc mở rộng quyền dân chủ trong ứng cử gần đây cho thấy, bầu cử ĐBQH khóa XII (năm 2007), có 30 người tự ứng cử lọt vào vòng cuối cùng; có 43 người ngoài Đảng/493 đại biểu trúng cử (chiếm 8,7%). Bầu cử ĐBQH khóa XIII năm 2011, có 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người lọt vào danh sách bầu ĐBQH; trong số 500 ĐBQH được bầu, có 4 người tự ứng cử, 42 đại biểu ngoài Đảng (chiếm 8,4%). Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, theo Báo cáo số 86/BC ngày 29-3-2016 của Hội đồng Bầu cử quốc gia, cả nước có 162 người tự ứng cử ĐBQH và 79 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Kỳ này, tổng số người ứng cử ĐBQH là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số ĐBQH được bầu).

Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng tiếng nói đại diện của tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó có việc mở rộng số lượng ĐBQH cho người ngoài Đảng và tạo điều kiện cho mọi công dân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện có thể tự ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn thế nào là quyền quyết định của cử tri. Thực tế này là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bác bỏ hoàn toàn ý kiến sai trái của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có cửa cho các ứng cử viên tự do.

Ngày 20-6-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước; những ĐBQH và đại biểu HĐND phải thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Như vậy, cả trong chỉ thị của Đảng, trong tổ chức Hội nghị hiệp thương, trong các khâu, các bước của quy trình bầu cử đều bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, đúng trình tự pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân, nâng cao chất lượng đại biểu. Không hề có chuyện như những người “bất đồng chính kiến”, những nhà “dân chủ mạng” phát tán, rêu rao. Mưu đồ của họ chỉ có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ, cả tin, chứ không thể lay chuyển được người dân Việt Nam yêu nước.

Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công, quân và dân ta nói chung, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp nói riêng chắc chắn sẽ có không ít việc phải làm. Trong đó, cảnh giác và chủ động đấu tranh làm thất bại những thủ đoạn gây rối, xuyên tạc, bôi nhọ, hòng phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là rất cần thiết, quan trọng.

Lê Quý Hoàng

Bình luận

ZALO