Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Thảo luận dự án Luật Tố cáo (sửa đổi):

Chủ đề "nên hay không nên mở rộng hình thức tố cáo" được đại biểu ban luận sôi nổi

Biên phòng - Ngày 24-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu đi sâu thảo luận về hình thức tố cáo (Điều 22) và có nhiều quan điểm khác nhau, nên hay không nên mở rộng hình thức tố cáo.

l3r09c4svk-76410_8119274922113305947_Nguyen_Huu_Cau
 Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đồng tình với việc mở rộng hình thức tố cáo. Ảnh: CTV

Không đồng tình với dự thảo luật về hình thức tố cáo, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành. Đại biểu phân tích, nếu mở rộng hình thức tố cáo (qua điện thoại, thư điện tử, fax...) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tố cáo, song thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp lợi dụng hình thức này để gây rối hay tố cáo sai sự thật...

Ngoài ra, theo Tờ trình số 424 của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 4, Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo và thực tiễn tình hình tố cáo tại các địa phương thì có đến 59,55% là đơn tố cáo sai, 28,3% tố cáo có đúng, có sai...

“Tỉ lệ đơn tố cáo sai hoặc chỉ đúng một phần còn cao. Nếu tiếp tục mở rộng các hình thức tố cáo khác nữa thì cũng gây khó khăn trong việc xác minh, xử lý thông tin. Không thể ngăn ngừa được tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo này để vu khống, bôi xấu.... Do đó, vấn đề quan trọng là xử lý tốt, nhanh, kịp thời các đơn thư tố cáo bằng các hình thức hiện nay như đang áp dụng trong luật hiện hành”- Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho biết.

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với việc mở rộng hình thức tố cáo, thì nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng hình thức tố cáo cần thiết, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin. Trên thực tế có nhiều vụ gây bức xúc dư luận, được người dân tố cáo bằng clip đã được giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, 13 năm trước, tại khoản 1, điều 15 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật.

“13 năm trước, việc tố cáo bằng các hình thức như trên đã được chấp nhận, vậy mà công cuộc phòng chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Vậy tại sao chúng ta lại bỏ các hình thức tố cáo này. Nếu bỏ sẽ mất một kênh thông tin quan trọng” – Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Để khuyến khích công dân thực hiện quyền tố cáo, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng tố cáo được bảo vệ. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị: Không nên thu hẹp hoặc giới hạn đối tượng được bảo vệ, thậm chí cần mở rộng hơn đối tượng bảo vệ, nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường bảo vệ người tố cáo và thực hiện quy định của Hiến pháp, mọi công dân đều có quyền được bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Viết Hà

Bình luận

ZALO