Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Chợt nhớ về “Giấc mơ Chapi”

Biên phòng - Như một sự tình cờ, khi xe chúng tôi đi qua vùng cát trắng Ninh Thuận thì radio phát bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Cũng ở mảnh đất này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ vô cùng thú vị với các nghệ nhân đã làm ra thứ nhạc cụ mang cả hồn người Raglai. Đã 4 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không quên Ama Điệp, Chamaléa Âu - những nghệ nhân hiếm hoi còn biết chế tác và khảy đàn Chapi một cách hoàn hảo nhất.

pf8n_23a
Suốt nhiều năm, khán giả trung thành nhất của Ama Điệp là vợ của ông. Ảnh: Xuân Nha

Mái tóc xoăn, nước da nâu, nghệ nhân Chamaléa Âu mang dáng dấp của người đàn ông Raglai cả đời gắn liền với miền sơn cước. Cho đến giờ, ở quê Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), nghệ nhân Chamaléa Âu là một trong rất ít người Raglai ở Ninh Thuận biết chế tác và chơi đủ 6 điệu của đàn Chapi. Thời trẻ, Chamaléa Âu đã từng là “Bộ đội Cụ Hồ” đánh giặc bảo vệ bản làng. Khi đất nước hòa bình, ông phục viên trở về với núi rừng Ma Nới cùng vợ làm rẫy nuôi con. Hồi nhỏ, cậu bé Chamaléa Âu được người cậu ruột là Chamaléa Lư dạy cách làm và khảy đàn Chapi. Sống giữa vùng nương rẫy mênh mông, da diết nhớ tiếng đàn Chapi, ông lên núi tìm tre để làm lại chiếc đàn cho thỏa lòng mình và chơi cho vợ, con nghe. 

Có lần, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ về sự ra đời của bài hát “Giấc mơ Chapi”, rằng: Lần ấy, chiếc xe jeep của chúng tôi dừng chân ở Ninh Thuận. Ở vùng đất nắng gió ấy, chúng tôi đi mãi, đi mãi, gặp một ngôi nhà, có 2 vợ chồng và một đứa con. Tôi nghe người chồng đánh đàn, một loại nhạc cụ rất lạ, hỏi thì người chồng trả lời: Đây là đàn Chapi. Khi tôi hỏi mua, người chồng trả lời: Anh thích thì tôi tặng. Tôi đi bộ đội về, lấy vợ, sinh con ở đây. Anh nhìn xem, xung quanh là dê, lúa nương bạt ngàn, đã rất lâu rồi chúng tôi ở đây không dùng đến tiền. Không hiểu sao, cho đến khi gặp Chamaléa Âu, tôi liên tưởng ngay đến người chồng mà nhạc sĩ Trần Tiến đã gặp. Bởi trong căn nhà nhỏ nhắn của Chamaléa Âu cũng chẳng có thứ gì đắt giá, chỉ có những cây đàn Chapi và cũng không bán mà chỉ để tặng những ai yêu quý nó.

Chamaléa Âu cho biết, kỹ thuật làm đàn không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải đam mê. Người làm đàn Chapi phải lên núi cao tìm được cây tre già khoảng 1 năm tuổi, chọn lóng phải dài 40cm. Cây tre để trong bóng râm khoảng 2 tháng cho khô từ từ, tạo độ chắc, không bị ốp mới đưa ra làm đàn. Người ta sẽ dùng cây mác nhọn tách cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái, khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn. Sự khác nhau của những người làm đàn là khả năng cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn. 

Khi gặp nghệ nhân Ama Điệp, thêm một lần nữa tôi bất ngờ vì không chỉ có người Raglai ở Ninh Thuận mới có nghệ nhân chơi và làm đàn Chapi. Lần ấy, ở giữa cái yên tĩnh của núi rừng thung Ô Kha (thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), Ama Điệp khảy cho chúng tôi nghe 6 điệu đàn Chapi gồm: Điệu tumuya (thường đánh trong lễ bỏ mả), điệu riwư (đánh trong đám cưới), điệu sa pathâu (đánh vào ngày mùa), điệu alâu (tiếng hát giao duyên), điệu catnâu cacu (tiếng hát về chim cu gáy), điệu trun pu (đánh mừng lúa mới). Quả thật, với một người ngoại đạo lại khác văn hóa, tôi không thể cảm nhận hết được cái hay của đàn Chapi, nhưng nhìn nghệ nhân Ama Điệp say sưa đánh đàn như không còn biết đến thế giới xung quanh, tôi hiểu rằng, cây đàn ấy đã trở thành người bạn tri âm đối với người đàn ông Raglai này.

Nói về sự ra đời của cây đàn Chapi, nghệ nhân Ama Điệp cho biết, đàn Chapi ra đời do người ta không đủ tiền sắm bộ mã la. Một bộ mã la đầy đủ ngày xưa phải đổi hơn 20 con bò. Những người Raglai nghèo không có tiền sắm mã la nên chế tác ra đàn Chapi với âm thanh giống mã la để thay thế. Vì không phải bỏ ra nhiều tiền, kỹ thuật chế tác lại không quá khó mà vẫn có nhạc cụ để tâm hồn có thể phiêu theo mây gió nên quả thực, người Raglai ngày ấy “ai cũng có cây đàn Chapi”. Để chúng tôi thấy tận mắt, Ama Điệp đã biểu diễn cách làm đàn. Có tre sẵn, chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, Ama Điệp đã làm xong một cây đàn Chapi. Nâng niu chiếc đàn trên tay, Ama Điệp bảo, mỗi cây đàn Chapi nếu làm đúng kỹ thuật, chọn tre tốt và bảo quản chu đáo thì tuổi thọ bằng cả đời người.

Cũng như Chamaléa Âu, Ama Điệp đều có chút trầm buồn khi nhắc đến tương lai của cây đàn Chapi, vì “bữa nay chỉ còn vài người còn biết làm và chơi đàn Chapi, nhưng họ đã già lắm rồi. Lớp trẻ bây giờ chỉ thích nghe nhạc xập xình chứ không thích nghe Chapi nữa”. Ama Điệp bảo, dường như khán giả trung thành nhất mỗi khi Ama Điệp khảy Chapi chính là người vợ của mình. Ama Điệp thèm được như ngày xưa, khi núi rừng vào hội, đi đâu cũng nghe tiếng đàn Chapi do người Raglai khảy lên. Tiếng đàn Chapi luôn ngân vang trong mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng và trên khắp ruộng rẫy. Những đêm trăng đẹp, trai gái trong làng lại tụ nhau cùng khảy và cùng nghe Chapi. Vào những ngày lễ lớn của làng, tiếng Chapi như không bao giờ dứt.

Đã 4 năm rồi, chúng tôi chưa có điều kiện trở lại để gặp nghệ nhân Ama Điệp, Chamaléa Âu. Tôi chợt tự hỏi mình, Ama Điệp, Chamaléa Âu giờ ra sao? Có người trẻ Raglai nào đã có thể tự làm một cây đàn và khảy đủ 6 điệu như Ama Điệp, Chamaléa Âu để giấc mơ Chapi sẽ còn mãi với người Raglai hay không?

Trúc Hà - Xuân Nha

Bình luận

ZALO