Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Chồng vắng nhà ngày Xuân

Biên phòng - Đã qua nhiều cái Tết, cô giáo Nguyễn Thị Hồng quen với việc một mình ngắm mùa Xuân qua khung cửa sổ, nơi có những chậu mai vàng đang kỳ nở rộ. Dù nhà ở giữa làng chài, cách đơn vị đóng quân của chồng không xa, nhưng ngày Xuân thì chồng chị thường phải có mặt ở đơn vị làm nhiệm vụ.

fwjb_23a
Thiếu tá Đỗ Cao Trí chia tay cô giáo Hồng bên cành mai vàng. Ảnh: Văn Chương

Trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao và nhiều bài hát khác về mùa Xuân thường nhắc đến hơi ấm đoàn tụ trong ngày Tết. Tuy nhiên, với những người lính Biên phòng, mùa Xuân lại là ngày các anh vội vã trở về rồi lại chia tay mái ấm, lên đường thay phiên nhau trực sẵn sàng chiến đấu để nhân dân an vui đón Tết. Đây cũng là câu chuyện của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Hồng, ở làng chài xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đã 17 năm qua, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, chồng chị là Thiếu tá Đỗ Cao Trí, Thuyền trưởng tàu BP 09-05-01 của Hải đội 2, BĐBP Quảng Ngãi lại chia tay gia đình để xuống tàu trực chiến. 

Tại khu neo đậu tàu thuyền, chiếc tàu chở nhiên liệu đã chuẩn bị đầy ắp dầu để tiếp tế, còn các tàu tuần tra đều phân công ca kíp trực. Ngày Xuân, trên tàu được “điểm” thêm bàn thờ Tổ quốc nho nhỏ đặt ở một góc ca bin; bó hoa tươi đặt trên giá thép. Từ tầng ca bin xuống hầm máy, kể cả trên bệ thân máy đều sạch bong, quẹt tay vào không có một vết bụi hay dầu nhớt.

Đối với nhiều trường học nằm ở các địa phương lân cận, Hải đội 2 đã trở thành địa chỉ đỏ, là điểm đến để giáo dục cho các em học sinh về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Chính vì vậy, các ngày lễ, Tết, thầy cô giáo thường đến thăm đơn vị. Trước khi ra về, thầy cô nào cũng xin được chụp ảnh lưu niệm với cán bộ đơn vị. Từ mối quan hệ kết nghĩa mặn nồng đó mà nhiều cán bộ Hải đội 2 đã kết duyên và lập gia đình với các cô giáo. Xung quanh đơn vị đã mọc lên những mái ấm cô giáo - BĐBP.

Ngày Tết ở các đơn vị quân đội rất ấm cúng. Các chiến sĩ quây quần bên tờ báo Xuân, chia sẻ với nhau câu chuyện lần đầu tiên đón Tết xa nhà. Nhiều năm nay, cứ vào dịp trước Tết, Hải đội 2 tổ chức cho anh em vui Tết, đón Xuân sớm rồi phân công vào ca trực. Trong bữa cơm cuối năm, bao giờ cũng có mặt đông đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Bình Châu, thầy cô các trường kết nghĩa và bà con trên địa bàn. Mọi người đến dự thường có những lời chúc mừng, gửi gắm tình cảm quý mến đối với cán bộ, chiến sĩ. Đây là mối quan hệ quý giá như chất keo kết dính của tình quân dân nơi biên giới, biển đảo.

“Gia đình ở gần Hải đội 2, nhưng Tết thì chồng tôi lại xuống tàu trực với anh em, thỉnh thoảng ghé qua ăn cơm nhà một chút rồi lại đi. Tuy “thiệt thòi”, nhưng tôi luôn tự hào. Tôi luôn tự nhủ mình phải trở thành hậu phương vững chắc để chồng làm tròn nhiệm vụ của người lính Biên phòng” - Chị Hồng chia sẻ.

Tình cảm quý mến mà người dân trong vùng dành cho đơn vị có được từ phong cách sống giản dị, gần gũi với mọi người của những người lính, bên cạnh đó, nhiều thế hệ cán bộ tại đơn vị đã để lại “tiếng thơm” trong lòng người. Trước đây, khi đang là Hải đội trưởng Hải đội 2, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiến đã dũng cảm cùng tập thể đơn vị đưa tàu ra cứu nhiều người bị nạn. Anh đã trở thành nhân vật được mời lên ngồi “ghế nóng” của chương trình Người đương thời, tại Thủ đô Hà Nội để thay mặt tập thể đơn vị kể lại những hành động dũng cảm cứu người giữa trùng khơi.

Những thế hệ tiếp theo cần kể đến là Thiếu tá Huỳnh Công Minh, Võ Văn Thơ. Nhưng những cái tên đó cũng chỉ mang tính đại diện. Vì phía sau, cùng với họ có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa được nhắc tên, nhưng đều là những kình ngư tài giỏi trên biển cả, có tấm lòng sẵn sàng xả thân cứu người bị nạn, viết thêm truyền thống quý báu cho đơn vị. Những câu chuyện này đã trở thành đóa hoa thơm ngát, tô thắm thêm sắc xuân nơi cửa biển Sa Kỳ.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO