Biên phòng - Việt Nam hiện xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới, với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Các nhà khoa học cảnh báo, rác thải nhựa thực sự là thảm họa môi trường, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân trong nhiều năm tới.

Hệ lụy trên xuất phát từ thói quen sử dụng túi ni lông trong mua bán nhỏ, lẻ tại Việt Nam. Chỉ riêng hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn túi ni lông. Đáng lo ngại là chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp hoặc vứt bỏ khắp nơi. Và biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi ni lông.
Tác hại nguy hiểm nhất của túi ni lông chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây độc cho môi trường, đe dọa các hệ sinh thái, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật.
Với quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nước ta đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kiểm soát nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.
Từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với khẩu hiệu “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông dùng một lần” và được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao.
Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa phát sinh cũng như thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm thu gom, xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả. Bước đầu, nhiều người dân đã từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy...
Tuy nhiên, sau thời gian cả nước tập trung phòng chống dịch Covid-19, phong trào chống rác thải nhựa bị chựng lại, thậm chí nhiều người dù đã nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa với môi trường nhưng vẫn quay lại thói quen lạm dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông trong sinh hoạt.
Thật tiếc khi những mô hình, những cách làm rất hay về chống rác thải nhựa có nguy cơ đổ bể khi nhiều sản phẩm thay thế bao bì nhựa và ni lông không chiếm lĩnh được thị trường do giá thành cao. Nhiều siêu thị, tiệm tạp hóa, quán ăn không thể duy trì túi vải, ly giấy, ống hút tre thay thế cho bao bì nhựa và ni lông dùng một lần, vì chi phí phát sinh cao.
Rõ ràng, người dân đều nhận thức đầy đủ hiểm họa từ rác thải nhựa. Nhưng thực tế cho thấy, việc chống rác thải nhựa không thể chỉ là một chiến dịch cao điểm mà phải là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài.
Theo các chuyên gia, trước mắt, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là việc tăng thuế đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, cấm nhập nhựa, ni lông phế liệu từ nước ngoài để tái chế, từ đó các sản phẩm thân thiện môi trường mới có điều kiện thay thế. Quy định chặt chẽ việc phân loại rác tại nguồn để tái chế, đồng thời đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến cho việc thu gom, xử lý, tái chế rác vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo sản phẩm hữu ích.
Chống rác thải nhựa chỉ thành công khi cộng đồng, xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân cần phải có sự thay đổi thói quen trong việc sử dụng, thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường, tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Hãy nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông... để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta!
Thanh Thảo