Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 08:54 GMT+7

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn:

Chống “giặc nội xâm” phải kiên trì

Biên phòng - Tham nhũng là “giặc nội xâm”, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, và báo chí là một trong những trụ cột chống tham nhũng. Phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trò chuyện với Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng về vấn đề này.

5a780962471e3cf5b70009a7
Nhà báo Nguyễn Hòa Văn (thứ 2, từ phải sang), Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm “Nhận diện suy thoái và tự chuyển hóa qua Báo chí Truyền thông”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 27-10-2017. Ảnh: Sơn Hải

PV: Nhận được giải A Giải báo chí về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cảm xúc của ông thế nào?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Tôi cũng có chút niềm vui, nhưng sẽ vui hơn nhiều khi tác phẩm tác động tích cực, góp thêm được tiếng nói vào nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” hiện nay.

Tôi viết đề tài này với mong muốn có tác phẩm nhận diện một cách hệ thống, có góc nhìn đa chiều, tương đối sâu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái. Thực sự khi viết, tôi không nghĩ đến giải thưởng, mà chỉ mong có nhiều người đọc, đồng cảm và cùng suy nghĩ, chung tay thực hiện nhiệm vụ nóng bỏng này để đưa đất nước ta thoát khỏi nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thật vui vì loạt bài này được rất nhiều bạn đọc phản hồi, hưởng ứng, chia sẻ. Bài báo có sức lan tỏa, góp thêm tiếng nói tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất.

PV: Khi đọc loạt bài 8 kỳ “Chống được “chạy” sẽ thành công” của ông, rất nhiều độc giả hưởng ứng, cho rằng bài báo đã phản ánh chân thực thực trạng xã hội. Điều gì khiến ông quyết định viết loạt bài này?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Sau hai tháng bàn giao chức trách Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng để chuẩn bị nghỉ hưu, tôi lại được tiếp tục hành trình theo nghề làm báo. Với trách nhiệm mới - Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, tôi có thêm nhiều thông tin, nhận thấy tình hình tham nhũng, lãng phí, suy thoái và tha hóa quyền lực ở trong bộ máy công quyền đã ở mức nghiêm trọng. Hàng tuần, có rất nhiều đơn dân kêu oan gửi về Hội Nhà báo Việt Nam. Điều này đã khiến tôi suy nghĩ, cần phải viết để góp thêm nhiều tiếng nói của giới báo chí vào sự nghiệp chung.

Để nhận diện sâu thêm về tham nhũng cũng như phân tích, chuyển tải nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, đồng thời, đề xuất thêm các giải pháp mà tôi cho là quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết nói trên, tôi đã viết loạt 8 bài, được đăng trên Tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam và được nhiều báo điện tử đăng lại. Loạt bài mang tên chung: “Chống được “chạy” sẽ thành công”.

PV: Điều ông tâm đắc nhất khi viết loạt bài này là gì?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Trong loạt 8 bài này, tôi viết 3 bài về nhận diện tham nhũng, lãng phí, 2 bài phân tích nguyên nhân, hệ lụy, nguy cơ, còn lại 3 bài nêu giải pháp khá rõ ràng, cụ thể. Ví như giải pháp phát huy dân chủ và truyền thông. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, luận điệu tuyên truyền chống phá, chống đối chế độ, nhưng cần phải có nhiều tiếng nói với góc nhìn đa chiều, thậm chí khác biệt về những vấn đề theo dòng chảy thời cuộc.

Cùng với đó, cần tạo được nhiều diễn đàn giám sát và phản biện xã hội, tạo được bầu không khí dân chủ thực sự để giải tỏa những ấm ức, bức xúc của cán bộ, đảng viên và người dân. Cần phải coi khai thác, sử dụng triệt để tính tích cực của báo chí và truyền thông xã hội là một giải pháp rất quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, đạo đức con người, đồng thời, cần khuyến khích toàn dân phát hiện tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thông qua báo chí và truyền thông xã hội... Thật vui vì nhiều giải pháp tôi đưa ra được bạn đọc phản hồi, đánh giá cao.

PV: Chúng ta đều biết, tham nhũng không phải là câu chuyện mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Vậy, chúng ta phải tiếp cận vấn đề chống tham nhũng như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Tham nhũng nước nào cũng có, nhưng ở Việt Nam, tham nhũng đã trở thành “quốc nạn” từ lâu. Chúng ta càng nói, càng chống thì tham nhũng càng phát triển. Chúng ta có Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng từ năm 1998, có Luật Phòng chống tham nhũng từ năm 2005, trải qua gần 4 nhiệm kỳ chống “quốc nạn” này không những không thành công, mà còn để lại nhiều hệ lụy xấu. Hệ lụy xấu đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, dẫn đến nguy cơ sụp đổ chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đáng sợ nhất là thói quen, tập quán tham nhũng đã hình thành thứ “văn hóa” gian dối để thực hiện hành vi tham nhũng, bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, đã làm băng hoại, đảo lộn nhiều giá trị truyền thống.

Sau Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cuộc chiến chống tham nhũng đã có nhiều kết quả, bước đầu đã lấy lại được niềm tin của nhân dân, nhưng cuộc chiến còn vô cùng khó khăn, phức tạp. Cần phải tiếp cận vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc mới định ra được giải pháp và bước đi phù hợp. Bây giờ, yêu Đảng, yêu chế độ là phải nói thẳng, nói thật, làm thật, đoạn tuyệt với việc nói một đường làm một nẻo, nói khác làm khác, nói mà không làm, chấm dứt nạn mị dân, hành dân.

Quan điểm của tôi là chống “giặc nội xâm” phải kiên trì từ năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, nhưng phải làm ngay những việc cần làm.

PV: Với tư cách là lãnh đạo của một cơ quan có trách nhiệm tham gia tiếp sức cho các nhà báo giám sát và phản biện xã hội, ông kỳ vọng như thế nào về công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới?

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Đất nước tuy vẫn phải đớn đau trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, nhưng tôi tin, sự đớn đau này sẽ thai nghén cho một bước tiến mới, toàn dân phấn khởi hơn, tin tưởng hơn, bình yên hơn, không xảy ra các vụ để dân bức xúc.

Tôi mong Đảng, Nhà nước tiến hành xóa bỏ cơ chế “xin cho”, ngăn chặn, xóa bỏ sự phát triển của tư bản thân hữu, dẹp bỏ sân sau của các quan chức có quyền lực, sửa đổi pháp luật, sửa sai công tác cán bộ, phát huy tốt dân chủ, truyền thông, bảo đảm thực sự dân chủ, thực chất dân chủ, chuẩn bị thêm điều kiện để phục vụ cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đi đến thành công. Tôi cũng mong tinh giản được biên chế, thu hút được nhiều người tài, đức vào phục vụ trong bộ máy công quyền. Mong tiếp tục có những quyết sách phù hợp để phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo thêm công ăn việc làm, thêm giá trị gia tăng cho đất nước. Doanh nghiệp không làm “sân sau”, không trốn thuế, không buôn lậu, không bị tụt hậu trên “sân nhà”...

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thanh Thuận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO