Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Chống dịch ở biên giới An Giang

Biên phòng - Đã hơn một năm qua, trên 1.400 cán bộ, chiến sĩ thuộc 200 tổ, chốt kiểm soát cố định và lưu động của BĐBP An Giang vẫn không quản ngại nắng mưa, căng mình bám trụ nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ, đem lại sự bình yên nơi biên giới và hạnh phúc cho nhân dân trước đại dịch Covid-19.

Cán bộ BĐBP An Giang tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn. Ảnh: Huy Thành

Từ điểm nóng Vĩnh Ngươn

Vượt qua chặng đường dài từ thành phố Hồ Chí Minh lên biên giới của tỉnh An Giang, đón chúng tôi là cái bắt tay nồng ấm của những người lính ở Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn.

Nhìn quanh doanh trại chỉ có vẻn vẹn chưa đến 10 cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên. Không chờ chúng tôi hỏi, Thiếu tá Nguyễn Trương Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn giải thích: “Thời gian này, cán bộ, chiến sĩ ở đồn cũng ít hơn, vì đa số đang làm nhiệm vụ ở các trạm, chốt kiểm soát để phòng, chống dịch Covid-19”.

Trên đường dẫn chúng tôi xuống thăm cán bộ, chiến sĩ tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Đồn trưởng Phong cho biết thêm: “Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn phụ trách địa bàn xã biên giới Vĩnh Tế và phường Vĩnh Ngươn của thành phố Châu Đốc. Nhiều năm qua, đây được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép của tỉnh An Giang và các tỉnh biên giới miền Tây Nam bộ. Nhiều người còn ví von Vĩnh Ngươn là “thủ phủ” của dân buôn lậu. Các đầu nậu thường thuê người đi lấy hàng từ các kho chứa lớn tại chợ Gò Tà Mâu thuộc xã Pund Xang, huyện Praychusa, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia rồi lén lút vận chuyển qua biên giới vào nội địa tiêu thụ.

Hiện nay, do bị kiểm soát gắt gao, nên các đầu nậu thường chuyển hàng vào ban đêm trên kênh Cây Gáo, băng ngang kênh Vĩnh Tế về tập kết tại khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc. Từ đây, thuốc lá lậu được vận chuyển bằng xe máy ra quốc lộ 91. Nguy hiểm hơn, các đối tượng điều khiển xe với tốc độ cao, vượt qua nhiều đèn đỏ tại các ngả đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khi bị bắt giữ, các đối tượng thường lôi kéo nhiều phụ nữ, trẻ em để cướp giật lại hàng, chống người thi hành công vụ”.

Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 của tổ công tác số 14 thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, thì bất chợt cơn mưa giông ập đến. Đại úy Nguyễn Minh Trí, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn chia sẻ: “Do đang trong thời gian giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa nên thời tiết vùng biên giới Tây Nam thay đổi thất thường. Thời tiết càng khắc nghiệt thì mức độ nguy hiểm càng cao, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, mưa gió để buôn lậu hay xuất, nhập cảnh trái phép.

Bởi vậy, công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đường biên, các đường mòn, lối mở trên biên giới càng phải được tăng cường”. Đại úy Trí còn cho biết thêm, bản thân anh và cán bộ, chiến sĩ đã nhiều đêm mất ngủ vì phải luân phiên thực hiện nhiệm vụ, nhất là đấu tranh chống buôn lậu và xuất, nhập cảnh trái phép. Nhiều đối tượng cực kỳ manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống người thi hành công vụ.

Kiểm soát chặt chẽ biên giới

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: An Giang là tỉnh biên giới Tây Nam, có đường biên giới dài gần 100km, trải dài trên địa bàn của 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal, Vương quốc Campuchia; có 2 cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Tịnh Biên). An Giang cũng có 2 cửa khẩu quốc gia Vĩnh Hội Đông và Khánh Bình (thuộc huyện An Phú, An Giang), 1 cửa khẩu phụ (Bắc Đai). Đường biên chủ yếu là đồng bằng hoặc được phân cách bằng dòng sông, rạch nhỏ; ngoài các cửa khẩu chính thức còn có rất nhiều đường mòn, lối mở, rất thuận lợi cho việc người dân 2 nước qua lại biên giới. Đây cũng chính là yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tuyến biên giới và công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới và vừa phòng, chống dịch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang chỉ đạo cho các đồn Biên phòng phải thực hiện nhiều biện pháp công tác, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp, nhằm vận động người dân khu vực biên giới không tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; không tham gia, bao che, tiếp tay cho xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác; khai báo cho chính quyền, cơ quan chức năng và BĐBP khi phát hiện các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác.

4 đối tượng nhập cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn bắt giữ vào tháng 3-2021. Ảnh: Huy Thành

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và địa phương, nhất là địa phương tuyến biên giới tổ chức thành lập hơn 200 tổ, chốt kiểm soát cố định và lưu động với hơn 1.400 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch, đồng thời duy trì nghiêm lệnh cấm trại 100% đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ. Tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, quản lý chặt chẽ cửa khẩu, các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới... ngăn chặn triệt để các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới hoặc các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để sót lọt đối tượng mang mầm bệnh Covid-19 xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly. Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các chốt kiểm soát đã xử lý hơn 1.400 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

“Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Quản lý chặt chẽ biên giới, thường xuyên kiểm tra, chốt chặn 24/24 giờ. Cùng với đó, thiết lập, duy trì các chốt chặn kiểm soát cố định và chốt kiểm soát lưu động trên biên giới để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, nhất là tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới. Mặt khác, phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý chặt, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép” - Đại tá Nguyễn Thượng Lễ khẳng định.

Huy Thành

Bình luận

ZALO