Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 04:30 GMT+7

Chống buôn bán người qua biên giới: "Cuộc chiến" chưa có hồi kết

Biên phòng - Năm 2016, lực lượng chức năng của BĐBP đã xác lập đấu tranh 13 chuyên án; bắt giữ và xử lý 62 đối tượng, giải cứu 70 nạn nhân; tiếp nhận 30 vụ với 57 nạn nhân do Trung Quốc trao trả, 21 vụ với 25 nạn nhân tự trở về. Những con số trên cho thấy thực trạng buôn bán người qua biên giới vẫn còn nóng bỏng và phức tạp.

au7j_19a
Công an Biên phòng Trung Quốc bàn giao nạn nhân bị mua bán qua biên giới cho Đồn BPCK quốc tế Lào Cai, BĐBP Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng

Khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai luôn được xác định là điểm nóng của nạn buôn bán người qua biên giới. Đây còn là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đưa sang Trung Quốc bán. Gần đây, lực lượng BĐBP đã phát hiện một số thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người qua biên giới. Tại Hà Giang, các đối tượng người Trung Quốc lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc câu kết với các đối tượng người Việt Nam để lừa gạt, đưa phụ nữ (hầu hết đã có con) qua biên giới, sau đó khống chế nạn nhân dụ con "sang Trung Quốc thăm mẹ" rồi bắt cóc đưa đi bán.

Điển hình là Chuyên án 347T, BĐBP Hà Giang phối hợp với Công an trấn Má Cán, huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bắt đối tượng Vừ Thị Chờ, SN 1982, trú tại thôn Mã Công, trấn Má Cán về hành vi mua bán người, giải cứu chị Vừ Thị Ch, trú tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn và hai con của chị là Lầu Thị S, SN 2001 và Lầu Mí Cá, SN 2015. Qua điều tra được biết, các đối tượng buôn bán người đã lợi dụng mối quan hệ thân tộc mua chuộc, lôi kéo chị Vừ Thị Ch sang Trung Quốc, sau đó khống chế chị dụ con sang thăm mẹ rồi bắt cóc đưa đi bán.

Còn tại Hà Khẩu (đối diện TP Lào Cai) và địa bàn TP Lào Cai các đối tượng gồm cả người Việt Nam và người Trung Quốc giả danh Công an Trung Quốc hoặc Biên phòng Việt Nam cắt, ghép ảnh mặc quân phục cài làm ảnh đại diện trên các tài khoản xã hội facebook, zalo… tìm kiếm, làm quen với những phụ nữ dân tộc Mông ở Việt Nam tại địa bàn các tỉnh biên giới như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa có nhu cầu tìm việc làm hoặc lấy chồng, sau đó dụ dỗ, lừa gạt bán sang Trung Quốc.

Trên tuyến biên giới Việt - Lào, do đặc điểm dân cư hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc từ lâu đời nên người dân thường xuyên qua lại thăm thân, lao động thời vụ. Một bộ phận người dân do nhẹ dạ cả tin đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người; bị ép làm lao động trong các khu vực khai thác khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nam giới ở địa bàn các tỉnh tuyến Việt- Lào như Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa đã bị các đối tượng lừa gạt đưa sang Trung Quốc lao động trái phép (chủ yếu làm việc trong các hầm mỏ và đánh bắt hải sản). Nhiều người đã trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng còn phát hiện một số đối tượng người Lào lấy chồng Trung Quốc nay quay trở lại Lào lợi dụng mối quan hệ thân tộc, dân tộc sang khu vực biên giới Việt Nam dụ dỗ, lừa gạt các nạn những người nhẹ dạ, cả tin có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sang Trung Quốc lao động với mức lượng cao rồi sau đó bán vào các động mại dâm.

Theo báo cáo của lực lượng BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tình trạng buôn bán người cũng diễn ra khá phức tạp. Nguyên nhân một phần do phía Campuchia triển khai các dự án phát triển du lịch, dịch vụ giải trí như vũ trường, sòng bạc… ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, điều nay kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân viên, nhất là nữ. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa gạt đưa sang Campuchia bán. Năm 2016, các đơn vị BĐBP đã phát hiện gần 400 phụ nữ đi khỏi nơi cứ trú với lý do đi làm ăn xa, đây là những nạn nhân "tiềm năng" của hoạt động mua bán người qua biên giới.

Bên cạnh đó, không ít phụ nữ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ còn bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm và hôn nhân trái pháp luật. Nhiều nạn nhân trong số này sau khi bị bán đã quay về quê tiếp tục dụ dỗ, lừa gạt thêm nhiều phụ nữ khác. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện các đối tượng người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam móc nối hình thành các tổ chức, đường dây lừa gạt phụ nữ Campuchia vào Việt Nam, đưa ra Quảng Ninh, Lào Cai rồi lừa bán sang Trung Quốc.

Điển hình, ngày 16-9-2016, sau khi nhận được tin báo của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, lực lượng Công an, BĐBP Quảng Ninh phối hợp tuần tra, kiểm soát phát hiện, giải cứu 3 nạn nhân nữ người Campuchia đang bị đối tượng Lê Thị Vân, SN 1985, trú tại ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau giam giữ trái phép tại phòng 401, nhà nghỉ Thiên Hương, phường Ka Long, TP Móng Cái. Qua khai thác, đối tượng Vân khai: Ngày 9-9-2016, Vân được một phụ nữ tên Thúy (không rõ lai lịch) thuê đưa 3 phụ nữ người Campuchia từ TP Hồ Chí Minh ra Móng Cái giao cho tên Hoàng Tài Toàn, SN 1974, trú tại Đông Hưng, Trung Quốc để đưa sang Trung Quốc bán.

Trước thực trạng trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trong cả nước, nhất là Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) bám sát chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống mua bán người. Năm qua, Cục PCMT&TP BĐBP đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP xây dựng Tiểu đề án 2 "Đấu tranh phòng chống mua bán người ở khu vực biên giới, vùng biển và hải đảo" thuộc Đề án 2 - Chương trình 130 giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trình Bộ Quốc phòng phê duyệt. Đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án 3 "Tiếp nhận, xác minh bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Hiệp định Việt Nam - Campuchia về hợp tác phòng chống mua bán người giai đoạn 2017-2018; Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người năm 2016 trong lực lượng BĐBP… để chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Cục PCMT&TP BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tích cực điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, kiểm tra nghiệp vụ, xác minh, kết luận vấn đề nghi vấn để xác lập chuyên án, vụ án hoặc kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, chủ động nắm tình hình từ xa; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Công an các tỉnh biên giới trao đổi thông tin, đấu tranh các vụ án, chuyên án mua bán người. Đồng thời tăng cường hợp tác với các lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc, Lào và Campuchia trên cơ sở các Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước đã ký kết trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người và các Biên bản thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm giữa Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam với Cục Quản lý Công an Biên phòng Trung Quốc, Tổng cục An ninh Lào và Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia Campuchia.

Mai Anh

Bình luận

ZALO