Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

Xuôi ngược vùng bão tố:

Chống bão cộng đồng

Biên phòng - Đi dọc các tỉnh miền Trung, tôi thấy cảnh những ngôi nhà kiên cố ở phố thị đã đóng chặt cửa vào giờ phút bão đổ bộ, còn ở vùng ven biển, người dân bồng bế nhau đến nhà xây dựng kiên cố để tránh trú bão. Tuy cơ quan chức năng đã đề cập việc xây dựng nhà tránh trú bão, nhưng người dân ở vùng ven biển không trông chờ, mà tự mình làm nhà tốt để khi cần thì đưa hàng xóm sang tránh gió. Còn tàu cá trên biển thì luôn “đi kẹp”, liên kết chặt chẽ để có sự cố thì giúp đỡ nhau kịp thời.

Một người dân ở thôn An Cường chèn chặt nhà cửa trước khi chạy sang nhà hàng xóm tránh trú bão. Ảnh: Văn Chương

Ngủ nhà hàng xóm

Sáng 18-9, bão số 5 bắt đầu đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Nhiều cơn bão đổ bộ vào ban đêm, nên tầm quan sát hạn chế, chỉ biết ngồi bó gối trong ngôi nhà bê tông nghe tiếng gió hú. Còn bão số 5 thì ngay đầu buổi sáng đã có gió, gió mạnh tới mức đẩy lùi xe máy người đi đường. Tôi có mặt tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trước giờ bão đổ. Cả khu nhà nằm dọc bờ biển đều đóng cửa, khóa chặt và vắng bóng người. Những người dân sống trong ngôi nhà sát Trạm kiểm soát biên phòng Phước Thiện cũng di dời sang nhà hàng xóm gần đó tránh bão.

Trong cơn bão số 13, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã cùng với các đơn vị, chính quyền địa phương hỗ trợ đưa 87.321 người dân ở khu vực nguy hiểm gần bờ biển đến nơi an toàn để tránh, trú bão.

Ầm…! tiếng một miếng tôn xi măng đập mạnh xuống đất và vỡ tan ra thành một mớ vụn, báo hiệu gió đang mạnh dần lên. Tôi vội dạt vào một ngôi nhà lớn gần đó và chứng kiến cảnh những người dân chài có nhà sát mép biển đã tập trung tại các ngôi nhà xây dựng kiên cố để tránh, trú bão. Chị Võ Thị Thu đang cố sức để chạy vào nhà tránh, trú bão, cho biết, cứ có bão đi tìm nhà hàng xóm kiên cố vào trú cho an toàn.

Bão số 5 đổ bộ vào đất liền và sức gió không quá mạnh, nên tôi có điều kiện đi cùng người dân địa phương ra các khu bờ biển để quan sát. Tại khu vực xóm 2 thôn Phước Thiện, vài ngôi nhà tốc mái và gió luồn vào trong nhà làm bật tung cả cửa. Nhưng vào giờ phút đó, trong nhà không có người. Bà con ở gần khu vực đó cho biết, các nhà nằm ngoài bãi biển đều dời đi từ sáng sớm và cứ nhà nào xây dựng kiên cố thì vào tránh bão, có người thì đi từ đêm 17-9, lúc gió bão thì hàng xóm chia sẻ, đỡ đần với nhau.

Nhìn hình ảnh những ngôi nhà vắng chủ ở thôn Phước Thiện, tôi nhớ đến lần tác nghiệp tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong cơn bão số 6 (tháng 11-2019). Cơn bão này ập vào thành phố Quy Nhơn trong đêm. Xã Nhơn Hải giống như một bán đảo nhỏ nằm bên bờ biển, nhà cửa rất dễ bị sóng gió tấn công. Sau khi bão vừa đi qua, tôi có mặt tại địa phương này và chứng kiến chị Trần Thị Nghĩa, chị Phan Lệ cùng nhiều chị em khác bế con nhỏ, xách túi trở về ngôi nhà của mình. Chị em cho biết, cứ có bão thì lùi sâu vào xóm 100m, kiếm nhà đổ bê tông để trú lại là đảm bảo an toàn.

Bữa cơm ấm lòng

Trưa 28-10, Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi chuẩn bị bữa trưa để phục vụ nhân dân lên đơn vị tránh bão số 9. Cơn bão này hùng hục ập vào đất liền, sau đó quần đảo rất lâu, bẻ xoắn cây cối, nhấc bổng mái tôn ném xuống đất. Bữa cơm trưa nấu lên khi những đợt gió vừa ngớt. Tuy nhiên, khi chưa kịp dọn lên bàn thì một trận gió đảo ngược hất tung mái hiên, đổ xuống mâm cơm, làm cơm, cá, mắm bắn tung tóe, bát đĩa vỡ tan. Vậy là bữa cơm đơn vị đãi bà con đi tong và mọi người động viên nhau còn có lương khô, có mì tôm.

Nhà anh Dương Quang Phúc ở thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm nơi tránh trú bão cho 40 người dân. Ảnh: Văn Chương

Tại các nhà dân kiên cố ở làng chài trở thành điểm tránh, trú bão cộng đồng, các gia đình đều chuẩn bị sẵn mì tôm để nấu ăn cho vài chục người. Gia đình anh Dương Quang Phúc trở thành điểm tránh, trú bão cho 40 người dân. Nếu chỉ nghe nói qua thì thấy đơn giản, còn có mặt trực tiếp trong những ngôi nhà này mới hiểu được, chủ nhà thường là người khá rộng lượng, biết nghĩ cho cộng đồng. Bởi vì hơn 40 người tá túc, nên toa lét luôn có người ra, vào. Tuy nhiên, vợ chồng anh Phúc không quá bận tâm, vì sau bão sẽ tổng vệ sinh lại. Chị Lê Thị Lai, vợ anh Phúc cho biết, “em đã chuẩn bị sẵn mì tôm, bà con nếu cần thì cứ lấy ra nấu ăn”.

Tại vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, tinh thần cưu mang, giúp đỡ nhau lúc thiên tai, bão tố cũng được người dân làng chài phát huy tốt. Chiều 13-11, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các cụ già, phụ nữ và trẻ em đã chạy vào Trường Tiểu học, Trường Mầm non tránh, trú bão. Khoảng 20 giờ đêm 13-11, hệ thống điện bị cắt nguồn. Ngôi trường chỉ còn ánh đèn lấp lóa soi ra từ các căn phòng. Tất cả các thầy cô giáo dồn lại ở căn phòng sát chân cầu thang, nhường các phòng cá nhân và phòng học cho bà con tránh trú bão. Lúc 21 giờ, địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây mang mì tôm đến phân phát cho mọi người.

Giữa lúc mưa gió tơi bời, nước biển đã tiến sâu vào trong làng chài của xã Lộc Vĩnh. Tại khu vực bờ biển, nhiều hàng quán bắt đầu phát ra âm thanh răng rắc dưới chân, do nước xoáy xuống nền gạch, lôi cát ra biển, khiến nền nhà sập xuống. Thanh niên trong xóm lập tức huy động máy phát điện để tổ chức di dời tài sản. Anh Sơn, một người dân địa phương ngồi trầm ngâm cho biết, dọn vừa xong thì bà con nấu cho gói mì tôm ăn cho đỡ lạnh, sau đó chạy đi tìm nhà để tránh bão, chủ toàn bộ các nhà nghỉ ở bãi biển Lộc Vĩnh cũng mở cửa cho bà con vào trú bão.

Hành trình đi kẹp

Trong những cơn bão ập vào miền Trung, tàu thuyền ngư dân bị thiệt hại chủ yếu là tàu đang neo đậu trong bến bãi, bị gió đẩy lên bờ; bị va đập vào đá, cọc nhọn dẫn đến hư hỏng tàu. Do các cơn bão xuất hiện nối tiếp nhau, nên phần lớn tàu cá của bà con ngư dân chỉ đi phiên biển ngắn, đánh bắt gần bờ. Ngư dân Nguyễn Quang, ở Quảng Ngãi chia sẻ, hiện nay bà con đã có kinh nghiệm chạy bão, nhưng an toàn nhất là chạy kẹp, không nhìn thấy tàu nhau, nhưng luôn nối sóng Icom khi trở về.

Đi kẹp là cách ngư dân miền Trung chạy tàu cá trong thời điểm thời tiết xấu. Thuyền trưởng sẽ kết nối với 1-2 tàu cá, sau đó hành trình cùng tọa độ, mỗi tàu cách nhau vài hải lý, máy Icom phải giữ liên lạc cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi nghe bên tàu nào hô hoán thì tàu cá đi kẹp phải nhớ rõ tọa độ để đến ứng cứu. Do tàu hành trình từ ngoài khơi vào đất liền, vì vậy có khi phải đi ròng rã 1-2 hoặc 3 ngày đêm mới vào đất liền. Các ngư dân trên tàu phải thay phiên nhau cầm lái.

Tàu cá hành trình vượt bão vào bờ thường đi kẹp 2 chiếc để hỗ trợ nhau. Ảnh: Văn Chương

Thuyền trưởng lúc giao tay lái thì luôn ngủ ở giường bên cạnh ghế lái. Dù đang ngủ say, nhưng mỗi khi thấy chiếc tàu rung, lắc nhịp khác thường thì thuyền trưởng đều bật dậy, giống như phản xạ tự nhiên của những người mưu sinh trên biển cả, luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Do hiện nay, các tàu đánh cá đều lắp đặt thiết bị cảnh báo hiện đại, vì vậy tàu đều kịp thời về bến, hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, trước khi bão tố ập đến. Trong quá trình di chuyển, ngư dân luôn tuân thủ nguyên tắc “đi kẹp”, để cùng nhau vượt qua bão tố.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO