Biên phòng - Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, đứng thứ 18 thế giới, thứ 2 ASEAN về thu hút FDI.
Đánh giá về hiệu quả đầu tư FDI thời gian qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định vốn FDI là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, điều quan trọng không phải là thu hút được thêm nhiều vốn FDI, quan trọng là phải thu hút được vốn đầu tư FDI chất lượng cao.
Thực tế, các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 52 dự án đầu tư FDI có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD, 31 dự án FDI có vốn đầu tư 0,5 - 1 tỉ USD, 517 dự án FDI có vốn đầu tư 100 - 500 triệu USD. Còn lại hàng chục nghìn dự án FDI hiện nay có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm 96,4% tổng số dự án FDI và 28,94% tổng vốn đầu tư.
Bộ Khoa học và công nghệ cũng chỉ ra, công nghệ sử dụng tại các doanh nghiệp FDI hiện nay không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình trong khu vực; số doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ khoảng 5%.
Nhiều chuyên gia lo ngại, số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu hiện nay chiếm khoảng 15%, dẫn tới nguy cơ, thách thức về tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên. Bên cạnh đó, có 85% số doanh nghiệp FDI có 100% vốn nước ngoài đã hạn chế đáng kể khả năng chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước...
Trước tình trạng trên, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ bộ tiêu chí để chọn lọc đầu tư FDI trong thời gian tới gồm 7 tiêu chí: Suất vốn đầu tư/ha đất; Số lao động tại mỗi dự án đầu tư; Hàm lượng công nghệ cao của dự án; Cam kết chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư; Khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước; Bảo vệ môi trường; Đảm bảo quốc phòng an ninh.
Rõ ràng, xu hướng chung trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới là phải tiết kiệm đất đai, năng lượng và ít thâm dụng lao động. Trước đây, chúng ta thừa lao động nên thu hút FDI để có việc làm, có vốn phát triển kinh tế. Ở giai đoạn hiện nay, không thừa lao động, vốn không quá thiếu, đất đai phát triển công nghiệp ngày càng hẹp hơn, các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, buộc chúng ta phải có tiêu chí chọn lọc đầu tư kỹ càng để doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm ăn kinh doanh thay đổi theo.
Trong bối cảnh có tới hơn 14.100 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh báo lỗ lên tới 151.000 tỉ đồng, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chọn lọc đầu tư FDI cần làm sớm để khắc phục nghịch lý doanh nghiệp FDI vừa mở rộng đầu tư kinh doanh, vừa báo lỗ để trốn thuế cũng như khắc phục những bất cập hiện tại.
Đây chính là cơ sở quan trọng để cải thiện hiệu quả quản lý khu vực kinh tế này, trong đó có quản lý thuế; đồng thời tăng tính minh bạch, góp phần thu hút những nhà đầu tư tốt, “lọc” bớt những dự án không phù hợp, nhằm tránh lãng phí nguồn lực, thâm dụng tài nguyên, lao động.
Để cải thiện chất lượng đầu tư FDI, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần làm tốt công tác định hướng thu hút đầu tư theo cấp độ khác nhau, theo vùng, dựa trên thế mạnh các địa phương, chỉ ưu tiên những lĩnh vực cụ thể trong nước chưa phát triển để thu hút đầu tư và các dự án sử dụng công nghệ cao.
Hiện nay, môi trường đầu tư và kinh doanh trên toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng, dòng vốn đầu tư vào các dự án xanh đã giảm 21% trên toàn cầu, các dự án tài trợ quốc tế giảm 4%... Trong bối cảnh chung đó, bộ tiêu chí để chọn lọc đầu tư FDI là một trong những nỗ lực để nâng cao chất lượng của dòng vốn FDI.
Thanh Thảo